Mới đây, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội đã đề xuất rút ngắn thời hạn cấp giấy phép lái xe (GPLX) ôtô từ 10 năm xuống còn 5 năm, đồng thời hàng năm nên kiểm tra sức khỏe của tài xế để xem họ có đủ điều kiện lái xe hay không.
Theo Trưởng phòng, trong số các giải pháp chống tai nạn và ùn tắc giao thông, thìviệc quản lý người lái và phương tiện rất quan trọng.
"Hiện thời hạn của bằng lái ôtô 10 năm là quá dài, trong thời gian này, tài xế ốm đau, sức khỏe thay đổi, không đủ sức khỏe để lái xe nhưng không quản lý được sẽ gây ra những hệ lụy, thậm chí đây cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông", Đại tá Thắng nói.
Ngay sau khi đề xuất trên được nêu ra cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay, tại thời điểm trật tự ATGT còn diễn biễn phức tạp, số người chết vì tai nạn còn cao, thì các ý kiến đề xuất, đóng góp đều đáng hoan nghênh.
Nhiều người dân sợ thủ tục rườm rà mỗi lần đi cấp đổi GPLX |
Qua quá trình phân tích nguyên nhân tai nạn, lực lượng chức năng nhận thấy đa phần là do lỗi của người điều khiển phương tiện.
“Vì vậy cần thiết phải siết chặt quản lý người lái xe, nhất là vấn đề sức khoẻ. Mỗi năm cơ thể có sự thay đổi khác nhau, không thể nói trước được ngày mai sức khỏe tốt như thế nào, nên việc để bằng lái xe thời hạn 10 năm sẽ gây khó khăn trong việc quản lý tài xế", đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay.
Vị này cũng dẫn chứng, hiện nay trên cả nước có khoảng 200.000 GPLX tồn, quá hạn mà người dân vi phạm giao thông bị tịch thu không đến giải quyết. Song có không ít người tìm cách này, cách khác để về địa phương xin cấp lại GPLX. Đây cũng là lỗ hổng, do đơn vị cấp GPLX và đơn vị giám sát (Công an) chưa có sự thống nhất. Tình trạng này đã khiến hiệu lực giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị suy giảm nghiêm trọng.
Cùng quan điểm, Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc) cho biết, trước đây GPLX có thời hạn 3 năm sau đó lên 5 năm, rồi lên 10 năm để tránh những thủ tục rườm rà, xin cho khi đi cấp đổi của người dân. Tuy nhiên, đến nay việc cấp đổi qua mạng diễn ra thuận lợi hơn, thủ tục hành chính được rút gọn hơn thì siết chặt quản lý sức khỏe của lái xe là "nên làm".
"Để thời hạn 5 năm là hợp lý, tuy nhiên cơ quan chức năng phải đảm bảo thủ tục thuận tiện cho người dân khi đi cấp đổi", ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, mục tiêu của việc nâng thời hạn GPLX từ 5 năm lên 10 năm ngoài việc được tham khảo các nước trên thế giới thì còn nhằm mục đích cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.
“Hiện cả nước có hơn 5 triệu ôtô các loại, nếu sát hạch cấp lại theo thời hạn 5 năm sẽ mất rất nhiều thời gian cho cả cơ quan quản lý và người dân”, ông Thái nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Thái cũng nêu thực tế hiện nay, việc khám sức khỏe để cấp đổi GPLX vẫn còn mang tính hình thức. Nhiều người đi khám sức khỏe qua loa và bằng cách này, cách khác để có đủ điều kiện để tham gia cấp đổi giấy phép.
Nói về đề xuất của Trưởng phòng CSGT Hà Nội, Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, trước đây, vấn đề về thời hạn của bằng lái xe đã được bàn rất kỹ, thậm chí có nhiều tranh cãi rồi sau đó mới quyết định mức thời hạn là 10 năm. Vì vậy, nếu bây giờ có đề xuất rút ngắn xuống còn 5 năm thì phải có sự xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng.
“Mỗi đề xuất đều hướng tới mục tiêu tốt, nhưng cách thực hiện đề xuất ấy có đạt được kết quả và mục tiêu như mong muốn không thì còn phải tính. Tôi cho rằng, thời hạn bằng lái xe dài hay ngắn không quan trọng, mà quan trọng là khi rút ngắn, hay kéo dài thời hạn bằng lái thì tác động thế nào đến mục tiêu giảm được ùn tắc hay tai nạn giao thông. Về đề xuất rút ngắn thời hạn bằng lái xe xuống 5 năm, việc nó tác động thế nào đến việc giảm được tai nạn giao thông, tôi thấy chưa rõ được”, Thiếu tướng Trần Thế Quân nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cho rằng nếu đưa ra đề xuất này, người dân sẽ rất lo ngại về các thủ tục hành chính để được cấp bằng. Theo đó, cần phải có thuyết minh kỹ hơn và đánh giá được tác động của đề xuất tới tất cả các mặt của đời sống thì mới có cơ sở, căn cứ xem xét.
Về vấn đề sức khoẻ của các tài xế, Thiếu tướng Công an cho rằng việc quản lý sức khoẻ đối với các tài xế là rất cần thiết, nhưng không nhất thiết phải làm theo cách khám sức khoẻ như hiện nay.
Tướng Quân cũng nêu một thực tế việc khám sức khoẻ cho lái xe hiện nay còn rất hình thức, thậm chí có một số trường hợp “chỉ vẽ ra để kiếm tiền chứ không ai khám”, khiến dư luận bức xúc.
Vì vậy, theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, mỗi đơn vị có lái xe phải quản lý sức khoẻ của tài xế thực chất hơn, chặt chẽ hơn, đặc biệt với tài xế xe có tải trọng lớn.
.