(Congannghean.vn)-Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Nghệ An về công tác quản lý tài chính tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Nghệ An, trong năm 2015, đơn vị này đã thu phí giới thiệu việc làm từ các tổ chức số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng không nộp vào Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi. Là đơn vị sự nghiệp có thu với chức năng, nhiệm vụ thực hiện hoạt động tư vấn học nghề, việc làm và cung ứng thông tin thị trường lao động… theo quy định của pháp luật, sai phạm này của Trung tâm DVVL Nghệ An đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành lao động, thương binh và xã hội.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, nơi để xảy ra sai phạm |
Thực hiện chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài (chương trình EPS), sau khi phía Hàn Quốc thông báo kỳ thi, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) giao Cục Lao động ngoài nước thực hiện kế hoạch gửi các tỉnh, thành. Khi có kế hoạch tỉnh giao cho Sở LĐ,TB&XH chỉ đạo Trung tâm DVVL thực hiện theo các bước. Toàn bộ kinh phí mà lao động phải đóng là 630 USD.
Theo quy định, số phí này được Trung tâm ủy nhiệm thu theo biên lai thuế, sau đó chuyển qua Kho bạc Nhà nước nhưng Trung tâm lại gửi qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát chi. Khi lao động được chọn thì số tiền 630 USD mà lao động nộp được Trung tâm trích ra 30 USD.
Tuy nhiên, vì Trung tâm không xây dựng dự toán sát thực nên các nội dung chi của đơn vị đều nộp qua tài khoản ngân hàng để có nguồn tiền lãi phục vụ trang trải các hoạt động của Trung tâm. Do đó, trong năm 2015, với số tiền hơn 610 triệu đồng từ phí giới thiệu việc làm của các tổ chức, Trung tâm không nộp vào Kho bạc, không lập dự toán thu chi, không quyết toán riêng nguồn kinh phí là vi phạm quy định của pháp luật.
Lý giải về vấn đề này, ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm DVVL Nghệ An cho biết: Từ năm 2010 - 2012 trở về trước, mỗi năm Trung tâm được Bộ LĐ,TB&XH cấp qua tỉnh khoảng 150 triệu đồng, còn vài năm trở lại đây nguồn này rất hạn hẹp, chỉ khoảng 50 triệu đồng. Trong khi Phòng Thông tin thị trường lao động (vận hành sàn giao dịch) có 7 người, chủ yếu là lao đông hợp đồng. Số nhân sự này ngoài được Trung tâm trả lương, họ đảm nhận việc vận hành sàn giao dịch gồm trang thiết bị giai đoạn đầu được cấp. Tuy nhiên, khi thiết bị hư hỏng, Phòng phải tự bỏ kinh phí để khắc phục, sửa chữa.
Ngoài ra, Phòng còn phải trả tiền điện sinh hoạt, tiền nước phục vụ người lao động. Mỗi tháng ở Trung tâm có 2 phiên giao dịch, mỗi năm 23 phiên cố định và gần 50 phiên lưu động. Do đó, số tiền cấp 50 triệu đồng không thể đủ, buộc Trung tâm phải lấy nguồn thu dịch vụ từ các phiên giao dịch để sử dụng vào hoạt động của Phòng.
“Nếu xây dựng dự toán đầu năm thì không thể thực hiện được, bởi vì bản thân Trung tâm cũng không nắm được số lao động được xuất khẩu tại thị trường các nước qua từng năm, trong đó có Hàn Quốc. Chẳng hạn như năm 2010, khi thị trường XKLĐ trở lại ổn định thì có 2 đợt thi vào tháng 4 và tháng 10, nhưng sang năm 2011 chỉ có 1 đợt thi vào tháng 12, rồi đến các năm sau dừng lại. Vì thế, Trung tâm DVVL không thể lập kế hoạch dự toán từ đầu cho sát với đơn vị để sử dụng nguồn kinh phí theo Thông tư quy định của Bộ Tài chính”, ông Hùng trao đổi.
Theo nguồn tin của phóng viên, ngoài sai phạm này, tại Trung tâm DVVL Nghệ An còn sử dụng kinh phí tự chủ để trả nợ chi phí quyết toán công trình đã hoàn thành là sai quy định; không kê khai đủ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.