(Congannghean.vn)-Cầu Hòa Sơn được khởi công từ tháng 4/2014, do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 8,9 tỉ đồng thuộc nguồn vốn của UBND tỉnh, UBND huyện và người dân đóng góp. Theo phê duyệt, công trình sẽ được thi công trong thời gian 9 tháng nhưng đến nay, sau hơn 2 năm xây dựng, cây cầu vẫn còn dang dở...
Ngày ngày, người dân xã Hòa Sơn phải đi qua cây cầu đã cũ nát bên cạnh cầu mới còn dở dang |
Mong mỏi chờ cầu
Bao năm nay, tại xã Hòa Sơn, người dân dọc hai bên sông Đào muốn đi lại phải qua chiếc cầu bê tông được xây dựng từ hàng chục năm nay. Kết cấu hẹp, khả năng chịu lực và tải trọng có hạn, lại khai thác sử dụng lâu năm nên chiếc cầu ngày một xuống cấp nghiêm trọng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nơi đây trong việc đi lại và phát triển kinh tế, tháng 4/2014, công trình cầu sông Sào ở xã Hòa Sơn được khởi công xây dựng, do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 8,9 tỉ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác. Theo thiết kế, cầu được xây dựng vĩnh cữu bằng bê tông cốt thép; chiều dài 43 m, nền đường cầu rộng 6 m, mặt đường rộng 3,5 m; đường 2 đầu cầu thiết kế theo chuẩn giao thông cấp VI đồng bằng.
Một ngày cuối tháng 10/2016, chúng tôi có mặt tại khu vực cầu ở xóm Yên Sơn 2, chứng kiền nhiều người dân đi qua cây cầu xuống cấp, không lan can, hai bên đê nối với cầu bị xói mòn. Bên cạnh là chiếc cầu mới đang hoàn thiện kết cấu phần trên và phần dưới, còn đường nối hai đầu cầu đang dở dang, cách mặt đường đê hơn 2 m. Nhìn cây cầu xây dang dở, chị Nguyễn Thị Thanh - một người dân xóm Yên Sơn 2 thở dài: “Chúng tôi trông chờ có cây cầu mới, nhưng sau khi thi công được một thời gian, nhà thầu lại bỏ dở. Đã hơn 3 tháng nay, người dân không thấy công nhân làm việc. Với tốc độ xây dựng thế này thì biết bao giờ mới có cầu đi?”.
Thiếu vốn, vướng mắc giải phóng mặt bằng
Công trình xây dựng cầu Hòa Sơn hiện tại đã thi công hết 5 tỉ đồng, còn thiếu 3,9 tỉ đồng so với kinh phí đầu tư. Theo hợp đồng giữa Công ty Hoàng Trình và chủ đầu tư thì cầu Hòa Sơn đã phải kịp hoàn thiện theo đúng tiến độ cam kết, tuy nhiên hiện nay cầu vẫn chưa xong.
Ông Nguyễn Cao Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Việc thi công công trình cầu chậm trễ là do bên thi công không có đủ tiềm lực về vốn(?). Bên cạnh đó, việc thi công cầu còn vướng mắc giải phóng mặt bằng của hộ gia đình anh Đào Văn Mai (xóm Yên Sơn 2). Theo giá cả giải phóng mặt bằng của tỉnh, tổng số 102 m2 của hộ gia đình anh Mai được đền bù 77 triệu đồng nhưng sau nhiều lần thỏa thuận, hộ gia đình anh Mai vẫn chưa đồng ý. Hiện, xã đang làm công tác dân vận để vận động gia đình anh Mai giải phóng mặt bằng.
Nói về nguyên nhân dẫn tới chậm tiến độ, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương trao đổi: Do trong quá trình triển khai việc thực hiện nguồn vốn bố trí cho dự án chưa kịp thời. Nhà thầu hiện đã nhận được 3,7 tỉ đồng nhưng trên thực tế đã thi công hết 5 tỉ đồng. Hiện nay, cầu mới xong phần thân cầu, dầm qua sông cơ bản là xong, còn hai mố cầu hai bên thi công đang bị tắc do nguồn vốn. Hiện tại, mặt cầu rất xấu, sắt lan can trên mặt cầu hơn 1 năm nay phơi nắng phơi mưa đã bị hoen rỉ hết. Nếu Nhà nước không đầu tư tiếp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình và nhất là giao thông đi lại của người dân. Càng kéo dài thời gian thì sau này chất lượng mặt cầu sẽ ảnh hưởng, bê tông đổ vào sắt sẽ không kết dính...
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, việc thi công cầu Hòa Sơn dang dở 2 năm nay dẫn đến 2 hệ luỵ lớn là ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân và đặc biệt là gây mất ATGT. Do cầu bắc qua tuyến sông nối đường giao thông chính ở vùng nông thôn nên lượng người qua lại rất lớn. Hơn nữa, cầu nằm ở gần cánh đồng, không có điện chiếu sáng, lại đang thi công dang dở nhưng không có biển cảnh báo an toàn, không có barie hoặc vật cản chặn đường đi lên cầu nên trở thành “cái bẫy” vô cùng nguy hiểm.