Ở Việt Nam, các hoạt động mại dâm đều bị cấm và bị xử phạt, tuy nhiên, các chính sách phòng, chống mại dâm cũng đang hướng tới tiếp cận dựa trên quyền con người và hỗ trợ để giảm tác hại của mại dâm đến xã hội.
Toàn cảnh hội thảo |
Mại dâm đã trở thành một phần của rất nhiều xã hội và thái độ của xã hội đối với nghề này cũng đa dạng và khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và văn hóa. Hiện nay, khung pháp lý giải quyết mại dâm có 3 cách tiếp cận: hình sự hóa, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa.
Nhiều vấn đề xoay quanh việc quản lý hoạt động mại dâm được thảo luận tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand” do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 22/9, tại Hà Nội.
Đòi hỏi phương pháp tiếp cận mới
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, mại dâm là vấn đề xã hội khó giải quyết không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết mọi quốc gia trên thế giới. Việc xây dựng chính sách, pháp luật hiện nay, đòi hỏi phải trên cơ sở nhận thức về lý luận và phương pháp tiếp cận mới, đặc biệt là vấn đề đảm bảo quyền, bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội của các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Định hướng nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm tại nước ta cũng đặt các vấn đề ưu tiên, đó là phải tăng cường phòng ngừa; xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm. Đồng thời, xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), khuôn khổ pháp lý về vấn đề mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; những quy định hiện hành không đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; thiếu cơ sở pháp lý cho việc triển khai các giải pháp, biện pháp, phương pháp tiếp cận mới trong công tác phòng, chống mại dâm; chưa cụ thể về điều kiện để đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa mại dâm…
Ông Nguyễn Xuân Lập cho hay, việc xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm đang được tiến hành dựa trên quan điểm, đó là: Thể chế hoá quan điểm mại dâm là bất hợp pháp ở Việt Nam, tuy nhiên, việc xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm phải đảm bảo tôn trọng quyền con người, chú trọng các giải pháp mang tính xã hội, nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với chính người mại dâm và xã hội, góp phần vào sự ổn định, phát triển đất nước.
“Không một ai bị bỏ lại phía sau”
Chia sẻ về Luật về Mại dâm của New Zealand, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, phi hình sự hóa mại dâm là việc không tồn tại hoặc bãi bỏ các luật hình sự hoá hoạt động mua, bán dâm và các hoạt động liên quan đến mại dâm; cũng như các luật và chính sách quy định bắt buộc kiểm tra HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc bắt giữ người hành nghề mại dâm. Khi được phi hình sự hóa, ngành công nghiệp tình dục sẽ phải tuân thủ các quy định chung về lao động như sức khỏe, an toàn nơi làm việc và bảo vệ chống phân biệt đối xử như các ngành nghề khác. Đây là cách làm của New Zealand.
Tại New Zealand, trước năm 2003, mại dâm là bất hợp pháp, các hoạt động liên quan đến mại dâm được coi là tội phạm hình sự, tất cả các hành vi quảng cáo mại dâm, chứa mại dâm, bán dâm, mại dâm đường phố… đều bị xử phạt.
Tuy nhiên, từ năm 2003, Luật Cải cách mại dâm đã được Quốc hội New Zealand thông qua, trong đó xóa bỏ sự trừng phạt đối với các hành vi liên quan đến mại dâm; thúc đẩy an sinh, sức khỏe và an toàn nghề nghiệp cho người hành nghề bán dâm; xác định vai trò cụ thể cho y tế công và cán bộ y tế; xác định trách nhiệm cho người tổ chức bán dâm, người bán dâm và khách hàng; các khoản tiền phạt và truy tố nếu có vi phạm về sức khỏe và an toàn; cấm mua bán dâm với người dưới 18 tuổi.
Khi luật được triển khai, New Zealand đã xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác quản lý; đồng thời hỗ trợ các nhà thổ, chủ chứa và người bán dâm hoạt động hợp pháp thông qua cơ chế, chính sách, pháp luật của nhà nước một cách minh bạch, rõ ràng.
Nghiên cứu ở New Zealand cho thấy phi hình sự hóa hoạt động mại dâm không gây bùng nổ ngành công nghiệp tình dục hoặc tăng số lượng người hành nghề mại dâm. Ngoài ra, New Zealand cũng không tìm thấy chứng cứ thể hiện sự thay đổi rõ rệt về các chuẩn mực đạo đức và xã hội do phi hình sự hóa mại dâm. Hơn thế nữa, theo Tuần san Y khoa Lancet năm 2014, phi hình sự hóa có thể ngăn ngừa đến 46% số ca nhiễm HIV mới ở phụ nữ hành nghề mại dâm trong thập kỷ tiếp theo.
Theo bà Astrid Bant, những kinh nghiệm từ New Zealand cho thấy việc tiếp cận người bán dâm dưới góc độ giúp đỡ, bảo vệ họ về sức khỏe, an toàn sẽ làm giảm thiểu đáng kể những tác hại của mại dâm, đảm bảo “không một ai bị bỏ lại phía sau” và việc quản lý hoạt động mại dâm sẽ hiệu quả hơn.
Khả năng áp dụng tại Việt Nam?
Từ những thông tin được chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về quan điểm, giải pháp, biện pháp và các chính sách cần có để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm của Việt Nam trong giai đoạn tới, đặc biệt là định hướng trong xây dựng dự án Luật Phòng, chống mại dâm, các đại biểu nhấn mạnh cần có những thay đổi về cách nhìn nhận, cách đánh giá và quan điểm đối với hoạt động mại dâm hiện nay.
Về khả năng áp dụng tại Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm, hiện nay, pháp luật và chính sách ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có liên quan đến (phòng, chống) mại dâm rất đa dạng và khác nhau. Việc rà soát, đánh giá thực trạng tình hình, kết quả triển khai việc thực hiện chính sách pháp luật về mại dâm ở Việt Nam có sự so sánh, đánh giá, trao đổi dựa trên kinh nghiệm của các nước trên thế giới về các mô hình, các giải pháp, biện pháp để quản lý có hiệu quả vấn đề này là cần thiết. Việc phi hình sự hóa mại dâm không có nghĩa là hợp pháp hóa mại dâm, mà sẽ tạo môi trường an toàn hơn để bảo về quyền và sức khỏe của những người bán dâm.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho hay: "Nếu muốn kiểm soát, quản lý được người bán dâm thì chúng ta phải xích gần tới họ, đừng để họ chạy trốn mình. Hiện nay chúng ta đang có những khác biệt lớn, ví dụ ở New Zealand thì người hoạt động mại dâm có thể dựa vào cảnh sát và nhân viên y tế, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. Người bán dâm không dám tìm đến họ để yêu cầu giúp đỡ bởi họ sợ bị bắt, sợ bị lộ thông tin cá nhân”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Việc này cần phải nghiên cứu thêm từ kinh nghiệm của các nước, bởi muốn thực hiện điều này cần phải có bằng chứng. Quan trọng nhất, điều đó phải phù hợp với quan điểm, xã hội Việt Nam”.
Không thành lập Hội nghề nghiệp cho người bán dâm
Bên lề Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: “Nếu chưa công nhận mại dâm là một nghề thì đương nhiên chúng ta không thể thành lập Hội cho người bán dâm, với tư cách như là một hội nghề nghiệp có tư cách pháp nhân được”. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, hiện nay, cũng có việc người bán dâm tự hình thành các nhóm sinh hoạt với nhau. Mặc dù không ai tuyên bố đó là hội, là tổ chức, nhưng họ là những người cùng cảnh ngộ, đã giúp đỡ nhau, bảo vệ nhau trong cuộc sống cũng như công việc họ đang làm. Chính các nhóm mô hình đó cũng đã giúp cơ quan Nhà nước có được những thông tin, tiếng nói từ họ để phục vụ quản lý nhà nước, xây dựng chính sách, thực hiện chương trình dự án.
“Trong Chương trình Phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020, Ban soạn thảo chương trình cũng khuyến khích phát triển các mô hình đồng đẳng, các câu lạc bộ để thực hiện truyền thông, vận động thay đổi hành vi, công việc của người bán dâm”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết.
Việt Nam có nhiều bước tiến trong cải cách luật liên quan đến mại dâm
Nhận xét về các chính sách liên quan đến mại dâm của Việt Nam, bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA cho rằng đã có nhiều bước tiến trong chính sách và môi trường pháp lý hỗ trợ việc cải cách luật liên quan đến mại dâm ở Việt Nam. Trong năm 2012, Việt Nam ghi nhận một bước tiến lớn trong lĩnh vực này; đó là việc thông qua Luật sửa đổi về xử lý vi phạm hành chính, trong đó bãi bỏ quy định bắt giữ người hành nghề mại dâm, dẫn đến việc đóng cửa các Trung Tâm 05. Ngoài ra, vào tháng 11/2013, bản Hiến pháp mới được thông qua càng bảo đảm các quyền con người cơ bản của mọi công dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc hình sự hóa mại dâm ở Việt Nam dẫn đến rủi ro cho bản thân người hành nghề mại dâm.