Pháp luật

Dự án sửa chữa, nâng cấp đê Lương - Yên - Khai (Thanh Chương, Nghệ An)

Thiết kế thiếu khoa học, dân lãnh hậu quả

08:40, 15/09/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Được đầu tư với mục đích bảo vệ ổn định sản xuất cho hàng trăm ha đất nông nghiệp và sự an toàn về tính mạng, tài sản của hàng nghìn hộ dân; tuy nhiên, Dự án sửa chữa, nâng cấp đê đi qua 3 xã Thanh Lương, Thanh Yên, Thanh Khai, huyện Thanh Chương đang gặp phải “sự cố” khi tiến độ thi công dang dở và thiếu sự an toàn bởi thiết kế thi công không phù hợp với đặc thù địa hình, hiện trạng nơi đây.

Chậm tiến độ

Dự án đầu tư, sửa chữa và nâng cấp đê Lương - Yên - Khai  được UBND tỉnh phê duyệt năm 2011, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư.  Công trình có tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) trên 36 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước, vốn hỗ trợ khắc phục lũ lụt miền Trung của WB5, nguồn huy động đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi và các nguồn hợp pháp khác.

Tuyến đê Lương - Yên - Khai thi công chậm tiến độ đe dọa đến cuộc sống, tính mạng, tài sản người dân vùng dự án
Tuyến đê Lương - Yên - Khai thi công chậm tiến độ đe dọa đến cuộc sống, tính mạng, tài sản người dân vùng dự án

Thời gian được phê duyệt trong 24 tháng kể từ ngày khởi công, tại địa điểm các xã Thanh Lương, Thanh Yên, huyện Thanh Chương. Với phê duyệt kỹ thuật của Dự án, tuyến đê có chiều dài trên 3.200 m, có các công trình trên tuyến như cống dưới đê, kênh tưới, dốc lên đê, đường thi công kết hợp ứng cứu đê và các hạng mục trên đường thi công.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2012, Dự án được triển khai thi công. Đến nay, sau 4 năm, Dự án đã hoàn thành được khối lượng công việc chủ yếu trên địa bàn 2 xã Thanh Khai và Thanh Lương. Trong khi đó, tuyến đê trên địa bàn xã Thanh Yên đang triển khai dang dở khiến người dân thấp thỏm, lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến gần.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Long, Chủ tịch UBND xã Thanh Yên cho biết: Sau khi khởi công, đến nay, công trình mới chỉ hoàn thành đoạn từ xã Thanh Khai đến thôn Yên Thắng, còn lại đang dang dở. Riêng đoạn từ xóm Yên Hồng qua Yên Bình đang tiến hành đắp, còn tuyến Yên Hồng (Thanh Yên) giáp xã Thanh Lương chưa thực hiện. Đáng chú ý, một số hạng mục thi công trên đê không đảm bảo chất lượng, có biểu hiện sạt lở và thiết kế thiếu khoa học nên chưa phát huy hiệu quả.

Bất cập kỹ thuật

Anh Nguyễn Văn Hùng, công chức giao thông - thủy lợi xã Thanh Yên cho biết: Qua một thời gian chứng kiến tác dụng của Dự án, chúng tôi thấy cống dân sinh đi qua xóm Yên Phú vào mùa mưa làm ngập lụt cục bộ khiến 14 hộ dân thường xuyên phải “sơ tán”.

Cống được thiết kế không đi theo dòng thẳng mà vòng vào dân cư rồi mới đổ ra mương dẫn đến vào mùa mưa bị bồi lấp, dòng nước không thông nên lượng lớn nước, đất đá đổ về từ núi Rú Đừng làm ngập khu dân cư. Thêm vào đó, trên đê đoạn còn dang dở có cống dưới đê có chức năng vừa tiêu nước vừa chắn lũ.

Theo thiết kế có lắp cửa van rèm nhưng hiện chưa có nắp đóng mở, trong khi kênh tưới từ phía trên không chảy thông ra cống mà chảy ra đồng làm thiệt hại lớn về hoa màu mỗi khi mưa lụt.

Cống nước của kênh tưới thiết kế không phù hợp làm cho Dự án không phát huy được hiệu quả
Cống nước của kênh tưới thiết kế không phù hợp làm cho Dự án không phát huy được hiệu quả

“Trước khi triển khai Dự án, xã cũng đã tham vấn, có ý kiến với nhà thầu thi công, tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ là phải cho mương nước đi thẳng nối ra kênh tưới nhưng không được họ tiếp thu, ghi nhận nên bây giờ mới dẫn đến hậu quả thế này”, anh Hùng chia sẻ thêm.

Liên quan đến Dự án nâng cấp, sửa chữa đê Lương - Yên - Khai, theo ông Lê Hồng Long, không những thi công chậm tiến độ Dự án, yếu tố kỹ thuật chưa đảm bảo mà xung quanh Dự án này còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Đó là việc đơn vị thi công hứa với chính quyền xã xin mượn một số tuyến đường trước đó đã đổ nhựa để làm nơi vận chuyển, sau đó sẽ trả lại với chất lượng con đường tốt hơn nhưng hiện nay vẫn chưa được thực hiện.

Các phương tiện có tải trọng lớn đi lại nhiều đã làm 2 tuyến giao thông Yên Sơn và Yên Trung xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Việc khảo sát đưa 7 hộ dân Yên Hồng - Yên Bình trong diện tái định cư để thi công đê cũng chưa được rõ ràng. Thông báo cho họ trong diện di dời nhưng hiện chưa có động thái thực hiện việc trích đo, đền bù khiến họ phải sống trong tình trạng nơm nớp “đi chẳng được, ở chẳng xong”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Minh Châu, Phó ban Quản lý dự án, Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: Nguồn vốn đang khó khăn nên chưa thể thực hiện các hạng mục của Dự án.

Trong khi đó, tiếp nhận phản ánh của báo chí, ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thẳng thắn cho rằng: Trả lời như Ban Quản lý dự án là không thuyết phục. Bất cập ở đây không chỉ là do vốn mà bộc lộ từ đầu khi hạng mục cống đê và kênh tưới thiết kế chưa phù hợp. Do đó, phía Ban cần tiếp thu để có hướng giải quyết. Phía tỉnh và Sở cũng đã có báo cáo gửi Quốc hội về những vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến Dự án đê Lương - Yên -  Khai.

Xuân Thống

Các tin khác