Cũng với thủ đoạn lừa qua điện thoại, nhưng với phương thức tinh vi và chưa từng được các băng nhóm sử dụng, Ngoan đã khiến nhiều người sập bẫy với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Qua trình báo của 10 nạn nhân bị lừa đảo, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TPHCM đã theo dõi, sau đó thi hành lệnh bắt đối với Phạm Văn Ngoan (sinh năm 1959, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cũng với thủ đoạn lừa qua điện thoại, nhưng với phương thức tinh vi và chưa từng được các băng nhóm sử dụng, đó là giả danh là người thân đang cần tiền gấp do phải đi cấp cứu, chữa bệnh,… Phạm Văn Ngoan đã khiến nhiều người sập bẫy với số tiền hơn một tỷ đồng.
Đối tượng Phạm Văn Ngoan tại cơ quan công an. |
Theo cơ quan điều tra, đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện thời gian gần đây tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam.
Theo trình báo của bà T. vào giữa tháng 4, bà nhận điện thoại của một người xưng là S. - bạn thân của gia đình bà, nói rằng đang đi nước ngoài thăm con. Nghe giọng giống bạn mình, lại nói trúng nhiều chuyện trong gia đình, nên bà T. hoàn toàn tin tưởng người ở đầu dây bên kia là S.
S. nói, có người cháu ở miền Tây lên TPHCM chơi rồi bị tai nạn giao thông, cần một số tiền để chữa trị gấp và nhờ bà T. chuyển tiền vào tài khoản của người cháu do S. cung cấp, khi nào từ đi nước ngoài về S. sẽ gửi lại. Tin lời, bà T. chuyển 45 triệu đồng vào tài khoản do S. cung cấp.
Sau đó, người này tiếp tục gọi điện nhờ bà T. chuyển tiền để người cháu giải quyết vụ việc. Tổng cộng bà T. đã chuyển cho S. gần 500 triệu đồng.
Đến khi bà T. gọi điện cho người bạn của mình thì mới phát hiện ra bị lừa, khi người bạn này nói vẫn ở Việt Nam và không hề có gọi điện cho bà T. những ngày vừa qua.
Điểm chung của những vụ lừa đảo này là nạn nhân thường là phụ nữ, người già. Các nạn nhân đều khẳng định đối tượng gọi điện thoại có giọng nói giống với người thân của họ.
Vào cuộc điều tra, PC46 nhanh chóng xác định Phạm Văn Ngoan chính là thủ phạm. Tại cơ quan công an, Ngoan khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách gọi điện đến số điện thoại nhà riêng của nhiều người, giả làm người thân của họ để vay mượn tiền và rút ra chiếm đoạt.
Ngoan cho biết, không hề quen biết các nạn nhân, mà chỉ bằng khả năng khai thác thông tin khi nói chuyện qua điện thoại với nạn nhân, Ngoan đã khiến những người này tin tưởng. Để các nạn nhân dễ dàng bị thuyết phục rồi gửi tiền, Ngoan thường dùng lý do mượn tiền là để chữa bệnh, cấp cứu người bị tai nạn…
Ngoan cũng khai báo đã ra ra Bến xe miền Tây tìm các đối tượng cò để mua thẻ ngân hàng với giá 1 triệu đồng/cái, rồi tìm hiểu tên tuổi thông tin, số điện thoại cá nhân qua các danh thiếp, tờ rơi để lừa đảo. Sau các phi vụ, Ngoan phi tang toàn bộ thẻ tài khoản ngân hàng, thẻ sim điện thoại để tránh sự theo dõi của công an.
Với số tiền lừa đảo, Ngoan dùng để trả nợ tiền cá độ và tiêu xài cá nhân.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân không cung cấp chứng minh thư nhân dân, số tài khoản để các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi lừa đảo.