Pháp luật

Đẩy lùi vi phạm về ATVSTP

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương

15:38, 29/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, người dân có quyền được lựa chọn thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, “ma trận” thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian gần đây đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Để từng bước đẩy lùi những hệ lụy trên, ngoài vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp cần có thái độ và trách nhiệm rõ ràng trong việc giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATVSTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vấn đề ATVSTP tại chợ hải sản trên địa bàn TX Cửa Lò
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra vấn đề ATVSTP tại chợ hải sản trên địa bàn TX Cửa Lò

Nghệ An là tỉnh có sự đa dạng trong phân bố dân cư cũng như điều kiện địa lý, có đường biên giới trên đất liền và tuyến biển, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn miền núi chiếm tỉ lệ cao. Do đó, ngoài thói quen ăn uống lạc hậu theo phong tục tập quán, vấn đề lựa chọn thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày còn phụ thuộc vào các mặt hàng lưu thông trên thị trường.

Chính vì vậy, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa liên quan đến thực phẩm đang là vấn đề cấp bách được các cấp, ngành cũng như chính quyền và nhân dân quan tâm, nhất là nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến ATVSTP trong thời gian qua đang có diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong toàn xã hội.

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSTP được xác định theo hướng quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm thuộc các bộ, ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về ATVSTP.

Theo Chỉ thị 13, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATVSTP, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm được giao. 

Liên quan đến việc xử lý cán bộ buông lỏng quản lý ATVSTP, Thủ tướng  yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về ATVSTP đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATVSTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATVSTP.

Tại các địa phương, ở cấp huyện và cấp xã đã bố trí cán bộ làm công tác ATVSTP. Tuy nhiên, số lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tại cấp huyện, công tác quản lý về ATVSTP giao cho phòng kinh tế, phòng nông nghiệp, phòng y tế hoặc trung tâm y tế đảm nhận.

Tại cấp xã có 1 cán bộ y tế kiêm nhiệm có nhiệm vụ giúp UBND giải quyết các vấn đề về ATVSTP. UBND xã, phường có ban chỉ đạo ATVSTP do phó chủ tịch UBND, xã phường làm trưởng ban; trạm trưởng trạm y tế làm phó ban và các thành viên khác gồm: Cán bộ Công an, tư pháp, văn hóa xã hội, tài chính, bảo vệ dân phố...

Tuy nhiên, việc quản lý về ATVSTP ở cấp xã, phường còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do cán bộ làm công tác này đều kiêm nhiệm trong khi hoạt động mua, bán thực phẩm phần lớn diễn ra vào thời điểm cuối buổi chiều, buổi tối và ban đêm nên rất khó để kiểm tra. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ xã phường không có trình độ chuyên môn, thiếu dụng cụ phân tích, kiểm nghiệm dẫn đến trách nhiệm cũng như quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.

Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, đảm bảo ATVSTP, ngày 9/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSTP.

Để thực hiện Chỉ thị 13, UBND tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành Kế hoạch 381 ngày 5/7/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nNhà nước về ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Mục đích của Kế hoạch nhằm xác định trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATVSTP của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo ATVSTP, vận động toàn dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATVSTP để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Theo Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị và các xã, phường, thị trấn khẩn trương kiện toàn Ban chỉ đạo ATVSTP; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý ATVSTP với phương châm quản lý tốt các khâu trong chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, tránh tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Để đạt được những yêu cầu trên, UBND tỉnh yêu cầu công tác quản lý ATVSTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo an toàn ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.

Xuân Thống

Các tin khác