Pháp luật

Bảo vệ người lao động thông qua hoạt động tư vấn pháp luật

09:20, 20/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Lao động và các chế độ chính sách của người lao động (NLĐ) vẫn diễn ra phổ biến. Vì vậy, việc bảo vệ NLĐ thông qua tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật và trực tiếp can thiệp, trợ giúp pháp lý cho họ luôn là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này còn gặp nhiều khó khăn và chưa được đầu tư đúng mức.

Hỗ trợ pháp lý cho NLĐ

Nghệ An hiện có khoảng 4.430 doanh nghiệp với 16.393 lao động làm việc. Trên thực tế, hầu hết NLĐ, đặc biệt là lao động phổ thông hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế, thậm chí là “mù” luật.

Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ
Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho NLĐ

Thực trạng này không chỉ dẫn đến việc NLĐ bị chèn ép, mất quyền lợi mà chính họ cũng không biết và không hiểu rõ về những quy định của pháp luật nên dễ dẫn đến làm liều, làm ẩu, gây ra những hậu quả khó lường. Trong khi đó, người sử dụng lao động là người có năng lực, trình độ, địa vị cao hơn lại được trang bị rất cụ thể, đầy đủ về pháp luật, dẫn đến tình trạng mất cân bằng, thiệt thòi cho NLĐ.

Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nga (SN 1985) trú tại xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc vào làm công nhân tại một công ty trên địa bàn. Khi vào làm việc, chị Nga có tham gia đóng BHXH, tuy nhiên, công ty lại chưa đóng BHXH cho chị. Vào thời điểm tháng 2/2016, trong lúc xay bột gỗ, chị Nga bị máy cuốn nghiền nát cánh tay. Sau khi bị tai nạn, điều trị xong, công ty thỏa thuận đền bù cho chị Nga tất cả 10 triệu đồng và chấm dứt hợp đồng đối với chị.

Quá bức xúc về việc công ty đền bù không thỏa đáng, chị Nga đã viết đơn kiện công ty; đồng thời nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An tư vấn, hỗ trợ. Trung tâm đã tư vấn cho chị Nga đi giám định kết quả thương tích. Sau khi có kết quả giám định thương tích 61%, Trung tâm đã tổ chức hòa giải giữa hai bên và yêu cầu doanh nghiệp bồi thương cho chị Nga theo đúng quy định của pháp luật. Đó là hỗ trợ chị Nga trong quá trình điều trị; đồng thời trả số tiền lương trong thời gian chị Nga nằm điều trị và chế độ bồi thường cho chị.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp may mắn nhận được sự bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Thực tế, có rất nhiều trường hợp NLĐ do không nắm rõ pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi cho mình nên đã chịu nhiều thiệt thòi.

Tiếp tục phát triển mạnh hoạt động tư vấn pháp luật

Tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động thể hiện trực tiếp sinh động và rõ nét việc thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ của tổ chức Công đoàn.

Nhiệm vụ trọng tâm là tư vấn, hướng dẫn trợ giúp bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, NLĐ và tổ chức công đoàn cơ sở trong lĩnh vực pháp luật lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng nhận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải đáp pháp luật cho công nhân viên chức - NLĐ.

Thông qua các hình thức tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, tập huấn nghiệp vụ… cũng được các cấp công đoàn thể hiện có hiệu quả với nhiều nội dung phong phú, sáng tạo.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An đã tư vấn trực tiếp cho 79 lượt tập thể, cá nhân, tư vấn qua điện thoại trên 250 cuộc; bảo vệ thành công cho 4 công nhân, lao động trong 4 vụ tranh chấp lao động cá nhân (3 lao động được đền bù 53 triệu đồng, 1 lao động được trả sổ BHXH).

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Hương, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trên thực tế, ở  nhiều nơi, nhất là trong các doanh nghiệp, NLĐ chưa quan tâm và tìm hiểu Luật Lao động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Họ chỉ chú trọng đến những nhu cầu cơ bản khi đi làm ở công ty như: Tiền lương, ngày công lao động, thu nhập tăng thêm, chế độ bảo hiểm…

Trong khi đó, còn có những nội dung rất quan trọng khác có liên quan mà NLĐ ít chú ý như: Điều kiện lao động, môi trường lao động, giải quyết tai nạn lao động (nếu có), an toàn lao động, vấn đề lao động nữ, vấn đề xử lý kỷ luật lao động…

Bên cạnh đó, một phần do yếu tố khách quan về thời gian, phương tiện, con người… nên người sử dụng lao động cũng chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc giúp NLĐ hiểu biết cặn kẽ Luật Lao động.

Thông qua những buổi tập huấn kiến thức pháp luật tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn cho thấy, vấn đề quan tâm nhất của số đông NLĐ đều xoay quanh một số nội dung thường gặp như: Điều khoản trong hợp đồng lao động; quy định về thời gian thử việc, thời gian làm việc, chế độ nghỉ ngơi; chế độ BHXH (mức đóng, hình thức đóng, hưởng BHXH một lần…), bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp; các chế độ trong quá trình ốm đau, thai sản…

Qua đó, đã giúp NLĐ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công ty, xí nghiệp, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nội quy lao động, giảm số vụ việc tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công. Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện thời gian cho tổ chức Công đoàn tuyên truyền pháp luật cho NLĐ.

Để công tác tư vấn pháp luật cho NLĐ đạt hiệu quả cao, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH... phổ biến, giáo dục pháp luật lao động theo hướng đa dạng hóa hình thức, nội dung phù hợp theo từng nhóm đối tượng; trong đó, tập trung khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; đồng thời chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở.

Cao Loan

Các tin khác