Pháp luật

Xung quanh việc cấp phép nuôi hổ tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn

08:34, 13/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những ngày vừa qua, dư luận đang quan tâm đến việc tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn, đóng tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu được cấp phép nuôi nhốt hổ. Điều quan ngại là, chồng của người đứng đầu khu sinh thái này đã từng có tiền án về giết hại cá thể hổ. Tuy nhiên, qua làm việc với cơ quan chức năng và UBND tỉnh, việc cấp phép là đúng quy trình và đây là 2 sự việc hoàn toàn khác nhau.

Chồng giết hổ, vợ được cấp phép nuôi nhốt?

Sự việc bắt đầu từ việc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) gửi thông cáo báo chí cho nhiều cơ quan báo chí trong nước, thông tin về việc ngày 5/4/2016, cơ quan quản lý CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam đã tiến hành kiểm tra để xác nhận điều kiện cơ sở vật chất, chuồng trại của Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn để nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ phục vụ mục đích nuôi dưỡng, nhân giống trưng bày và phục vụ giáo dục bảo tồn.

Một góc Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn
Một góc Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn

Trung tâm ENV lo ngại rằng, người đứng đầu khu sinh thái này là vợ của Phạm Văn Tuấn, người đã có 2 tiền án về tội liên quan đến giết hại, buôn bán hổ cùng nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp khác.

Cụ thể, tháng 6/2006, Tuấn bị kết án 9 tháng tù cho hưởng án treo và phạt 5 triệu đồng về hành vi “trộm cắp” và giết hại một cá thể hổ Đông Dương tại trang trại rắn Đồng Tâm ở tỉnh Tiền Giang.

Tiếp đó, vào tháng 11/2010, anh này tiếp tục bị tuyên án 30 tháng tù cho hưởng án treo và phạt tiền 10 triệu đồng sau khi cơ quan chức năng thu giữ nhiều động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, trong đó có 1 bộ xương hổ và 1 cá thể hổ đông lạnh.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm, là vợ của Phạm Văn Tuấn. Bà Liên cho biết, dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn bắt đầu triển khai vào năm 2014, với diện tích hơn 62.000 m2.

Ngày 31/1/2016, sau khi xây dựng xong hạng mục nuôi nhốt hổ trên diện tích 21.750 m2, phía Công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận 15 cá thể hổ, gồm 7 cá thể đực và 8 cá thể cái do Công ty TNHH Sinh thái Mường Thanh tặng.

Liên quan đến thông tin dư luận xôn xao về việc chồng bà Nguyễn Thị Liên từng có tiền án về tội liên quan đến giết hại, buôn bán hổ nhưng vợ lại được cấp phép nuôi hổ, phía đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm tỏ rõ sự bất bình và khẳng định ông Tuấn không có liên quan gì. Theo đó, đại diện Công ty cho biết, ông Tuấn (chồng bà Liên) không có cổ phần, không có sự đóng góp nào cho Công ty và dự án Vườn động vật sinh thái mà Công ty đang triển khai.

Cấp phép đúng quy trình

Phóng viên cũng đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Chính, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Nghệ An. Ông Chính cho biết, việc cấp phép và tham mưu được đơn vị này thực hiện theo đúng quy trình và quy định. Nói về việc chồng từng có tiền án giết hổ nhưng vợ được cấp phép nuôi hổ, ông Chính cho biết không hề có quy định này trong luật.

Theo ông Chính, đây là công ty được cấp phép hoạt động với những điều lệ cụ thể chứ không phải hộ gia đình, nếu trường hợp là hộ gia đình thì phải quan tâm đến chuyện đó.

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, việc cấp phép nuôi nhốt hổ tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn là đúng quy trình. Theo ông này thì trước đây, việc cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã là của Kiểm lâm, nhưng từ khi có Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, thẩm quyền cấp phép đối với các loại động quý hiếm là của UBND tỉnh.

“Khi cấp phép, UBND tỉnh dựa theo 2 đơn đề nghị của ngành nông nghiệp, cụ thể là Kiểm lâm tỉnh và đề nghị chuyển 15 cá thể hổ của Khu sinh thái Mường Thanh về Khu sinh thái Bạch Ngọc Lâm. Sau khi nhận được đề nghị, UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT tham mưu, sau đó nhận được văn bản đề nghị của cấp trên cho chuyển cá thể hổ theo quy định. Tiếp đó, phía Công ty Bạch Ngọc Lâm có văn bản đề nghị được nuôi 15 cá thể hổ, xét thấy các điều kiện nuôi nhốt đảm bảo nên UBND tỉnh đã cấp phép”, ông Minh thông tin thêm.  

Trước thông tin chồng của bà Liên - đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm từng có tiền án, tiền sự thì ông Minh cho hay, trong hồ sơ cấp phép nuôi hổ và chuyển hổ không có tên ông Tuấn. Việc bà Liên được cấp phép nuôi nhốt hổ và ông Tuấn (chồng) từng có tiền án về giết hại loại động vật này là 2 sự việc hoàn toàn khác nhau.

Được biết, trong các quy định hiện nay, không có chế tài không cấp phép nuôi động vật hoang dã cho người từng bị xử lý về hành vi vi phạm các quy định liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã. Chỉ có khi nào đi vào hoạt động, nếu cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã vi phạm thì bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, về việc dư luận quan ngại về khả năng chủ trang trại sẽ sử dụng cá thể hổ vào mục đích thương mại hoặc chuyển đi nơi khác khi hổ con sinh ra, cơ quan chức năng cho biết, trường hợp hổ chết, chủ cơ sở phải thông báo ngay với cơ quan chức năng để thành lập hội đồng xem xét nguyên nhân chết, rồi quyết định xử lý tiêu hủy hoặc làm tiêu bản; khi hổ sinh ra cũng được vào sổ để theo dõi.

Liên quan đến sự việc này, ngày 8/4, Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An có Công văn khẩn số 2161 về việc xem xét kiến nghị của Trung tâm ENV, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của ENV để có văn bản trả lời trực tiếp trước ngày 15/4/2016.

Thiên Thảo

Các tin khác