Pháp luật
Đảm bảo bình đẳng giới và đại biểu vùng miền
(Congannghean.vn)-Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong giai đoạn mới, hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cũng như đông đảo cử tri rất quan tâm đến vấn đề này nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đại diện cho tiếng nói của cử tri, góp phần xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tỉnh ta luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành quan tâm, nhất là sau khi có Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp (ngoài cùng bên trái) trao đổi với người dân xã Đồng Hợp |
Theo đó, công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới được tăng cường; công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Điển hình cho kết quả đó phải kể đến tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp trong nhiệm kỳ, số cán bộ nữ được đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý cũng như tại các huyện, thành, thị, các xã, phường ngày càng tăng.
Có gần 23% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hoạt động ở hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề; tỉ lệ lao động nữ được đào tạo nghề đạt 27%/30% kế hoạch giai đoạn; tỉ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 78,8 %; tỉ lệ biết chữ của nữ trong độ tuổi 15 - 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đạt trên 99%...
Thực hiện Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chỉ thị 01 ngày 13/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 quy định rõ, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam, đảm bảo có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.
Nghị quyết còn nêu rõ quy định số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đảm bảo có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.
Ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho biết: Thực hiện các văn bản hướng dẫn của cấp trên, vừa qua, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã tổ chức Hội thảo nâng cao kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ vận động bầu cử cho nữ ứng cử viên tiềm năng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tham gia đợt bầu cử có gần 150 đại biểu là nữ ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh sau hiệp thương lần 2 và Chủ tịch Hội LHPN các huyện, thành, thị. Thông qua đợt tập huấn, các đại biểu được tiếp thu các chuyên đề: Pháp luật về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử; hỗ trợ nữ ứng cử viên xây dựng và thực hành Chương trình hành động; kỹ năng tiếp xúc với cử tri và kỹ năng tiếp xúc với các cơ quan truyền thông trong vận động bầu cử.
Cũng theo đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, sau hiệp thương lần 2, cơ cấu kết hợp tỉ lệ nữ để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 36,6%. Con số này ghi nhận sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống.
Có thể thấy, đảm bảo quyền tham gia vào các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là quyền bầu cử, ứng cử đối với phụ nữ cũng như đảm bảo thành phần các dân tộc thiểu số trong Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là điều kiện tiên quyết, là quyền mang tính chất tiền đề để đảm bảo các quyền lợi liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, Quốc phòng - An ninh của người dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, số đại biểu được bầu ở từng địa phương, nhằm đảm bảo tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội.
Xuân Thống