Pháp luật

Quốc hội thông qua Luật báo chí sửa đổi

Nâng quyền lợi cho người làm báo

08:22, 16/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa VIII, với sự đồng tình, thống nhất cao, 442/445 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt (chiếm 89,47% tổng số ĐBQH) đã tán thành thông qua dự án Luật Báo chí sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, với những thay đổi có lợi cho người làm báo.

Theo đó, Luật Báo chí sửa đổi lần này gồm 6 chương với 61 điều, tăng 25 điều; trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.

Theo quy định mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân thì công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin, tiếp cận thông tin và liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí.

Luật Báo chí sửa đổi theo hướng nâng cao quyền lợi cho người làm báo
Luật Báo chí sửa đổi theo hướng nâng cao quyền lợi cho người làm báo

Luật Báo chí mới cũng bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức Viện Hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Đối với liên kết trong hoạt động, các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự - chính trị tổng hợp. Cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.

Luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, ngoài các quy định hiện hành, Luật Báo chí sửa đổi bổ sung thêm một số hành vi khác như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng...

Về cải chính và xử lý vi phạm: Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật Báo chí mới bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm; đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.

Ngoài ra, Quốc hội cũng quy định, cơ quan báo chí không phải là doanh nghiệp, hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh nên cơ quan báo chí không hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Luật Báo chí mới cũng chỉnh lý, bổ sung một số điều khoản nhằm nâng cao quyền lợi của người làm báo như: Rút ngắn thời hạn công tác để được cấp thẻ nhà báo lần đầu từ 3 năm xuống còn 2 năm; phóng viên, người làm báo chưa có thẻ nhà báo nằm trong phạm vi đối tượng được hưởng quy định ở Điều 9: Cấm hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Như vậy, so với Luật Báo chí hiện hành, Luật Báo chí sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 sẽ có 9 điểm mới theo hướng nâng quyền lợi cho người làm báo.

Thiện Thành

Các tin khác