Pháp luật
Rừng khoanh nuôi bị chặt phá
(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, nhiều diện tích rừng khoanh nuôi ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã bị người dân tự ý chặt phá, đốt than củi và chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng rừng. Thực trạng trên đang đặt ra cho chính quyền địa phương “bài toán” cần giải quyết là phải ngăn chặn các hành vi phá rừng.
Số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho thấy, đến thời điểm cuối tháng 3/2016, tại xã Châu Nga có 13 gia đình khai thác rừng trái phép tại 7 địa điểm, với diện tích 8,02 ha; tại xã Châu Hội 7 điểm, 7 hộ gia đình, với diện tích 8,71 ha; xã Châu Thuận 6 điểm, 6 gia đình, với diện tích 8,8 ha.
Gỗ có được từ việc phá rừng chủ yếu được người dân tiêu thụ trên địa bàn huyện. Gỗ có kích thước lớn được bán cho xưởng cưa, còn gỗ có kích thước nhỏ thì bán cho lò than.
Rừng keo mọc lên trong rừng khoanh nuôi |
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Tất Diện, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nga phân trần: Người dân Châu Nga còn nghèo và đói vì trong số 279 ha đất nông nghiệp của xã chỉ có 59 ha trồng lúa nước. Năng suất lúa vụ xuân ở Châu Nga chỉ đạt trên dưới 4 tấn/ha, vụ còn lại hầu như bỏ hoang. Lương thực chỉ đủ đáp ứng từ 4 - 6 tháng, người dân phải đi chặt cây thuê cho các lâm trường để đong gạo.
Dịp gần Tết và giáp hạt, Châu Nga có tới 1.300/2.111 (61,6%) nhân khẩu thiếu đói. Ruộng ít, cuộc sống người dân phải dựa vào rừng nhưng 7,5/8,5 nghìn ha có rừng là rừng tự nhiên, chỉ còn lại trên 1 nghìn ha rừng trồng.
Hiện, 89 hộ dân được giao 1,3 nghìn ha rừng theo Nghị định 63 và 89 hộ được tạm giao gần 4,5 nghìn ha. Tuy nhiên, khi UBND huyện Quỳ Châu tiến hành rà soát lại thì một số diện tích tạm cấp lại thuộc đất của Lâm trường Quỳ Châu.
Theo số liệu thống kê chúng tôi thu thập được, năm 2015, trên địa bàn huyện Quỳ Châu có 60 hộ dân đã chặt phá trái phép 13 ha rừng được giao để trồng keo. Chỉ tính từ đầu tháng 3/2016 đến nay, tại 3 xã Châu Nga, Châu Hội, Châu Thuận đã có 25,5 ha rừng bị các hộ nhận khoanh nuôi chặt phá. Trong đó, trạng thái rừng Ic là 3,25 ha; IIa là 15,94 ha và IIb là 6,35 ha.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 60 lò đốt than củi đang hoạt động tại các cánh rừng và yêu cầu các hộ dân tháo dỡ các lò đốt than củi trái phép và thu giữ 64 ste gỗ củi (gần 4,5 m3). Riêng tại lâm phần của Lâm trường Quỳ Châu quản lý, đoàn kiểm tra phát hiện 17 gốc gỗ rừng đã bị chặt và 70 khúc gỗ tròn nhóm 7, nhóm 8, khối lượng 7,245 m3. Qua kiểm tra 30 xưởng chế biến gỗ trên địa bàn các xã, có 12 xưởng hoạt động trái phép.
Ông Nguyễn Viết Khánh, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Châu cho biết: “Rừng được giao cho người dân đa phần là rừng nghèo, trạng thái IIa, IIb, Ic, thời gian khoanh nuôi phải đạt từ 50 - 70 năm thì cây gỗ mới có thể khai thác, sử dụng. Muốn khai thác tại chỗ thì phải được UBND huyện đồng ý, khai thác theo đúng hồ sơ thiết kế. Quá trình xin khai thác phải trải qua việc lập hồ sơ, thiết kế, quy hoạch…, nói chung là rất nhiều khâu và tốn nhiều chi phí. Trong khi đó, người dân ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền đi thuê thiết kế?”.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, rừng giao cho dân là loại rừng tự nhiên, rừng sản xuất, không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ khoanh nuôi. Thế nhưng, vì nhu cầu của cuộc sống đã khiến người dân làm liều, vào rừng phát sẻ, trồng sắn, trồng keo để kiếm kế sinh nhai…
Đồng quan điểm này, ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Quỳ Châu là huyện có diện tích rừng lớn, tỉ lệ người dân sống phụ thuộc vào rừng cao. Tuy nhiên, hầu hết diện tích rừng đã được giao cho các lâm trường. Diện tích giao cho người dân theo Nghị định 63 đa phần là rừng xa xấu, khó sản xuất. Về lâu dài, chỉ có thể làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích một số diện tích rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất để cải thiện đời sống cho người dân.
Hiện tại, Chính phủ đang có Nghị định 75 về phát triển rừng gắn với đời sống đồng bào miền núi, trong đó có cả chính sách hỗ trợ gạo cho các hộ nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nhưng hiện vẫn chỉ có nghị định thôi chứ chưa có hướng dẫn thực hiện…”.
Như vậy, thực tế người dân tự ý phá rừng trong thời gian qua ở Quỳ Châu chủ yếu là để kiếm kế sinh nhai, duy trì cuộc sống; trong khi đó, diện tích rừng người dân được giao theo Nghị định 63 thuộc dạng “không được đụng đến”. Tuy nhiên, vì cái đói, cái nghèo nên dù biết vi phạm, người dân ở đây vẫn làm liều. Do vậy, giải pháp lâu dài cho thực trạng trên là người dân cần có đất và rừng sản xuất để đảm bảo cuộc sống.
Vinh Thành