Pháp luật
Nhiều địa phương 'bớt xén' thời gian làm việc
(Congannghean.vn)-Sử dụng đúng, đủ và hiệu quả thời gian làm việc, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công vụ, góp phần phát triển KT-XH của đất nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc sử dụng thời gian làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đang bộc lộ nhiều bất cập, một số địa phương còn diễn ra tình trạng “xà xẻo”, “bớt xén” thời gian, gây lãng phí và tạo hiệu ứng không tốt đối với các cơ quan Nhà nước cũng như các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, làm việc.
Việc thực hiện nghiêm những quy định, quy chế ở các cơ quan, đơn vị không còn là điều mới mẻ mà đã trở thành mục tiêu, nhiệm vụ, là quy định bắt buộc đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Song trên thực tế, việc chấp hành không đúng thời gian làm việc chưa được khắc phục triệt để, còn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là trong các cơ quan hành chính sự nghiệp cấp xã, thị. Tình trạng cán bộ, công chức “bớt xén” giờ công để làm việc riêng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công việc cũng như sự tin cậy của người dân vào bộ máy công quyền.
Vừa qua, sau khi nhận được phản ánh của người dân về nội dung liên quan đến địa phương tại xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã tìm đến trụ sở UBND xã Nam Lĩnh. Có mặt tại đây vào 10 giờ 30 phút nhưng cả trụ sở đều vắng bóng người. Để đảm bảo khách quan, phóng viên tiếp cận nơi làm việc của cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội nhưng cửa các phòng làm việc của nhà 2 tầng đều đã khóa kín.
Khi thấy phóng viên lấy máy ghi hình, một nữ cán bộ đeo biển tên công chức lao động - xã hội bước ra từ tốn: “Các anh đến làm việc gì xin hẹn đến chiều. Bây giờ lãnh đạo chủ chốt đã nghỉ về đi cưới cả rồi, còn các đoàn thể thì đi cơ sở!”. Chúng tôi quá bất ngờ vì mới chỉ 10 giờ 37 phút mà cả trụ sở UBND xã chỉ còn một công chức làm việc. Lúc này, nữ công chức mới lấy điện thoại báo cáo sự việc với lãnh đạo xã.
Mới 10 giờ 37 phút nhưng cán bộ, công chức, viên chức xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn đã rời công sở, tất cả phòng làm việc nhà 2 tầng đều khóa kín cửa |
Trước đó, qua nguồn tin được biết, tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An xảy ra tình trạng khai thác “chui” đất rồi chở ra khỏi địa bàn để bán. Sau khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã. Lúc này, đồng hồ mới chỉ 10 giờ 50 phút nhưng cổng UBND xã đã đóng, cả trụ sở vắng hoe.
Tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cũng diễn ra tình trạng tương tự, khi chưa hết giờ làm việc nhưng cán bộ, công chức đã rời công sở để làm việc riêng. Sự việc chỉ được tiếp thu sau khi phóng viên phản ánh lại và có sự chỉ đạo của đồng chí Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện.
Như vậy, các trường hợp trên chứng minh một thực tế rằng, hiện nay, tại các cơ quan Nhà nước ở một số địa phương, việc cán bộ, công chức, viên chức “bớt xén” thời gian làm việc còn phổ biến. Điều này đồng nghĩa với việc họ chưa tiếp thu nghiêm túc các văn bản, chỉ thị của cấp trên đối với việc chấp hành thời gian làm việc. Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh kịp thời sẽ tạo ra những suy nghĩ không tốt của người dân đối với các “công bộc”.
Trong những năm qua, nhận thức được vai trò của việc sử dụng hiệu quả thời gian làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, Nhà nước đã có nhiều quy định về vấn đề này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức; các cơ quan, ban, ngành, đơn vị đều công khai nội quy, quy chế.
Đặc biệt, ngày 3/12/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh", trong đó quy định việc chấp hành thời gian làm việc và những điều “không được làm” đối với mỗi cán bộ, công chức. Tuy nhiên, qua theo dõi và giám sát của các đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, hiện nay có không ít cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước làm việc thiếu tích cực, bớt xén thời gian (đi muộn, về sớm, giải trí bằng các trò chơi trong giờ làm việc…).
Một câu hỏi đặt ra là tại sao quy định, quy chế đã ban hành nhưng cán bộ, công chức vẫn không thực hiện. Chuyện xảy ra thường ngày sao không bị phát hiện và xử lý? Thời điểm cuối năm, với tâm lý “xả hơi”, chắc chắn tình trạng vi phạm các quy định về thời gian làm việc sẽ còn diễn ra. Do đó, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, chấp hành nghiêm Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy, tỉnh cần tăng cường thành lập đoàn kiểm tra hoặc tổ giám sát đột xuất về việc thực hiện giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức và có biện pháp xử lý những trường hợp vi phạm.
Xuân Thống