Pháp luật
Khó khăn trong thi hành án tín dụng, ngân hàng
(Congannghean.vn)-Hàng năm, các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỉ lệ không nhiều so với lượng án phải thi hành án (THA) nói chung, song do số lượng tiền lớn, trong đó chủ yếu nhằm vào tài sản thế chấp, bảo lãnh nên quá trình THA gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Hàng trăm án tín dụng, ngân hàng tồn đọng
Năm 2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 134 hồ sơ liên quan đến án tín dụng, ngân hàng với số tiền xấp xỉ 274,3 tỉ đồng. Trong đó, án tồn đọng từ năm trước chuyển sang là 93 vụ việc với số tiền gần 206 tỉ đồng, chiếm 69% số vụ liên quan. So với năm 2014, năm nay, số việc mới liên quan đến án tín dụng, ngân hàng chiếm 31% về việc và 25% về tiền.
Trong số, 134 việc còn tồn đọng, 95 việc với số tiền 221,8 tỉ đồng có điều kiện thi hành và trên thực tế, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 37 việc, chiếm 28,4%, thu được số tiền 51,7 tỉ đồng. Số còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị THA hoặc được bảo lãnh, thi hành dở dang và hoãn THA.
Cụ thể, có 2 việc án tuyên không rõ, khó THA với số tiền 1,3 tỉ đồng; 7 việc cơ quan THA đang áp dụng biện pháp kê biên, đã rao bán nhiều lần tài sản thế chấp tại ngân hàng nhưng vẫn chưa có người mua với số tiền 12 tỉ đồng; 16 việc ngân hàng có sự thỏa thuận với bên buộc phải THA với số tiền 25,4 tỉ đồng; 26 việc khác cơ quan THA tiếp tục xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến đất đai, đo đạc, trưng cầu… với số tiền 45,5 tỉ đồng và 19 việc đã tổ chức bán đấu giá nhưng không thành.
Ngoài ra, có những lý do khác khiến THADS hết sức “bối rối” trong việc quyết định THA hay không, đơn cử như tài sản của Doanh nghiệp tư nhân An Châu ở xã Hưng Chính (TP Vinh). Sau khi cơ quan THADS xác định khối lượng tài sản phải THA cho Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) - nay đã sáp nhập vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với số tiền 5 tỉ đồng, thời điểm chuẩn bị THA, các cơ quan chức năng liên quan đã có ý kiến cho rằng, nếu cưỡng chế doanh nghiệp, sẽ khiến 30 công nhân thất nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương nên chưa thể THA.
Tài sản Công ty TNHH Thương Thắng (TP Vinh) thế chấp tại Ngân hàng Eximbank Nghệ An vay 1,8 tỉ đồng nhưng chưa thể THA vì chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn |
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Theo ông Đào Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Nghệ An, hiện nay, mặc dù án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỉ lệ số việc không nhiều so với lượng án phải thi hành trong một năm, song số lượng tiền chiếm rất lớn, trong đó chủ yếu nhằm vào tài sản thế chấp, bảo lãnh nên quá trình THA gặp không ít khó khăn. Vướng mắc chủ yếu hiện nay là do việc xử lý thế chấp phải theo các trình tự, thủ tục phức tạp, đặc biệt là tài sản về đất đai.
Từ năm 2004 về trước, mặc dù hồ sơ thế chấp về đất không đảm bảo, ngân hàng vẫn cho vay khi khách hàng có giấy cấp đất mà chưa có GCNQSDĐ. Do đó, với những án như trên, để THA được, cơ quan THADS phải phối hợp với chính quyền địa phương, ngành tài nguyên - môi trường thực hiện việc cấp GCNQSDĐ rồi mới tiến hành THA. Ngoài ra, thị trường bất động sản trong bối cảnh THA hiện nay gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, hiện có 19 hồ sơ đã tiến hành cưỡng chế thành công với số tiền trên 113 tỉ đồng nhưng đã rao bán nhiều lần song không ai mua, thậm chí có vị trí đã rao bán đến lần thứ 7 trong năm.
Theo quy định, sau 3 lần rao bán không được thì phía ngân hàng phải nhận nợ, song trên thực tế, tất cả các ngân hàng đều “nói không” với tài sản thế chấp và phó mặc cho THA. Cũng theo ông Trung, một số ngân hàng còn chưa thực sự phối hợp với cơ quan THA, thậm chí còn phó mặc, ỷ lại mặc dù trước đó, trong quá trình thẩm định thế chấp đã xảy ra tình trạng ngân hàng cho vay số tiền lớn hơn nhiều so với tài sản thực tế.
Một số trường hợp khác thì ngược lại, tài sản thế chấp lớn, song số tiền vay lại rất ít, khi tiến hành cưỡng chế mới phát hiện ra đó là tài sản duy nhất dẫn đến khó THA. Đơn cử như một trường hợp ở xã Hưng Lộc (TP Vinh) thế chấp GCNQSDĐ và nhà ở để vay 30 triệu đồng, song khi tiến hành cưỡng chế thì phát hiện ngôi nhà là nơi sinh sống của một đại gia đình. Vì vậy, việc tiến hành cưỡng chế để thu về 30 triệu đồng đã khiến cơ quan THA phân vân, lưỡng lự.
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trên, ngày 18/9/2015, Cục THADS tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS các vụ việc có liên quan đến ngành ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin trong công tác xử lý nợ xấu; hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; đồng thời tổ chức kiểm tra về THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Ngoài ra, Cục THADS tỉnh cũng thành lập tổ công tác chuyên về án tín dụng, ngân hàng để đôn đốc, nắm tình hình và kiên quyết xử lý những án còn tồn đọng, vướng mắc.
Thiên Thảo