(Congannghean.vn)-Cho rằng việc hai ông bà dựng mái tôn trên phần đất vi phạm hành lang ATGT và nằm dưới phạm vi ảnh hưởng của đường điện cao thế, UBND phường đã ra quyết định cưỡng chế. Điều khó hiểu là trước đó, nơi đây là quán ăn, tồn tại nhiều năm nhưng không có cơ quan chức năng nào có ý kiến.
Huy động lực lượng cưỡng chế… một mái tôn!
Vợ chồng ông Nguyễn Doãn Chu (77 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lạc (73 tuổi), trú tại khối 15, phường Bến Thủy (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) gửi đơn tới báo Công an Nghệ An và các cơ quan chức năng với nội dung: Hai ông bà đều là thương binh, gia đình có công với cách mạng nhưng đang bị UBND phường Bến Thủy “o ép” khi có ý định dựng mái tôn trên phần đất của gia đình ở vị trí giao nhau giữa đường Nguyễn Du và đường Hồ Quý Ly, thuộc địa phận khối 15, phường Bến Thủy, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Theo trình bày của ông Chu, từ trước đến nay, gia đình vẫn sử dụng mảnh đất này mà không hề có sự tranh chấp. Sau một thời gian mở quán bán cà phê, vì lý do sức khỏe yếu, bà Lạc đã cho một người khác thuê để mở quán ăn.
Vợ chồng ông Chu, bà Lạc trình bày sự việc với phóng viên |
Sự việc bắt đầu từ tháng 7/2015, từ sau khi quán ăn hết hợp đồng, ông Chu có đơn gửi khối phố và UBND phường Bến Thủy xin làm lại mái tôn để sử dụng mảnh đất này làm chỗ đánh bóng bàn, song không được chấp nhận. Sau nhiều lần đề nghị cho biết lý do nhưng không có cơ quan chức năng nào trả lời thấu đáo, ngày 24/10/2015, ông Chu đã tiến hành lợp lại mái tôn trên diện tích khoảng 50 m2.
Ngày 26/10, UBND phường Bến Thủy đã tiến hành lập biên bản yêu cầu ngừng thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Ngày 27/10, đơn vị này cũng đã ra quyết định đình chỉ thi công và tiến hành cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
Liệu đã thấu tình, đạt lý?
Theo ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thủy, sở dĩ phường quyết liệt với việc làm của vợ chồng ông Nguyễn Doãn Chu và bà Nguyễn Thị Lạc là bởi, thửa đất mà ông bà dựng mái tôn trái phép không thuộc quyền sở hữu của gia đình. Cụ thể, nguồn gốc và diện tích đất sử dụng theo trình bày của hai ông bà là đúng. Diện tích đo đạc năm 1989 là 792 m2, nhưng đến năm 1993 còn lại 255 m2.
Sau khi mở rộng đường Nguyễn Du và ông Chu đã chia tách thành 6 thửa để chuyển nhượng, tổng diện tích thực còn lại là 484,77 m2. Hiện, hộ ông Chu không còn đất ở và cũng không có đất ở địa bàn phường Bến Thủy vì trước đó, trong quá trình đền bù đất đai đã sử dụng để mở rộng đường Nguyễn Du, gia đình đã được cấp đất tại phường Trung Đô.
Về việc kiến nghị cấp GCNQSDĐ mảnh đất này cho ông Chu theo bản đồ đo đạc năm 1989, ông Khánh cho rằng, vị trí thửa đất thể hiện ngoài diện tích đất thuộc quyền sở hữu của ông Chu. Vị trí của thửa đất này giáp chợ chiều cũ, là đất hành lang an toàn lưới điện và nằm trong chỉ giới xây dựng đường Hồ Quý Ly. Qua các thời kỳ đo đạc, hộ ông Chu không có đăng ký và trong bản đồ cũng không thể hiện quyền quản lý, sử dụng của gia đình.
Vị trí gia đình ông Chu dựng mái tôn bị ra quyết định cưỡng chế “vi phạm hành lang ATGT” |
Theo quan sát của phóng viên, mảnh đất mà ông Nguyễn Doãn Chu đã dựng mái tôn có vị trí tính từ tim đường Hồ Quý Ly trở vào khoảng hơn 10 m. Nếu so với các hộ dân sinh sống và kinh doanh trên trục đường này thì có rất nhiều hộ mở quán ăn, cửa hàng còn lấn chiếm hết cả vỉa hè của con đường này. Ngoài ra, mặc dù song song với đường Hồ Quý Ly là đường điện 35kV, nhưng nằm ngay dưới đường điện này, hàng chục hộ gia đình đang sinh sống, thậm chí có một nhà trẻ tư nhân nằm ngay dưới đường điện và vẫn hoạt động bình thường.
Quan trọng hơn, vị trí mà vợ chồng ông Chu, bà Lạc sử dụng không có tranh chấp, từ trước đến nay vẫn cho thuê kinh doanh bình thường, nay hai ông bà chỉ mới chống cọc, dựng mái tôn với diện tích thực là 44,85 m2 thì chính quyền đã huy động lực lượng để ngăn cản, tháo dỡ. Hai ông bà là thương binh, nạn nhân chất độc da cam nên thiết nghĩ, UBND phường Bến Thủy cần giải quyết sự việc một cách thấu tình, đạt lý để đảm bảo quyền lợi cho người có công với cách mạng.