(Congannghean.vn)-Chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc thay thế Methadone được kỳ vọng là sẽ mang lại những tín hiệu vui trong việc giúp người nghiện ma túy cai nghiện thành công, làm giảm nguy cơ phạm pháp và góp phần đảm bảo ANTT. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả điều trị nghiện bằng phương pháp này chưa đạt như mong muốn.
Kết quả mà Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với một số bộ, ngành có liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Quyết định 1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone năm 2014 và 2015 tại tỉnh Nghệ An cho thấy, đến nay, toàn tỉnh hiện đang điều trị cho 747 bệnh nhân nghiện ma túy bằng chất thay thế Methadone, đạt 22% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao.
Khó đạt chỉ tiêu
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Nghệ An bắt đầu triển khai từ tháng 7/2012 tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. Đến nay, có 6 cơ sở điều trị nghiện bằng Methadone đã được triển khai tại các đơn vị, địa phương. Theo kế hoạch đến tháng 12/2015, Nghệ An sẽ mở rộng việc điều trị nghiện bằng Methadone lên 12 cơ sở điều trị và dự kiến điều trị cho khoảng 1.700 người.
Bệnh nhân được cấp phát Methadone tại cơ sở điều trị |
Bác sỹ Luyện Văn Trịnh, Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Những năm qua, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Nghệ An đã được chú trọng triển khai. Đến nay, đã gửi 147 cán bộ đi đào tạo để cấp chứng chỉ thực hiện việc điều trị. Ở 21/21 huyện, thành, thị đã có bệnh nhân đăng ký điều trị. Tính đến hết ngày 30/10, toàn tỉnh có 1.222 bệnh nhân đăng ký, trong đó thực tế đã điều trị cho 1.100 bệnh nhân.
Nói về kết quả kiểm tra chỉ tiêu điều trị nghiện bằng Methadone của đoàn kiểm tra liên ngành, bác sỹ Trịnh cho rằng, chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định 1008/QĐ-TTg là quá cao so với tình hình thực tế tại địa phương. Cụ thể, năm 2014, Chính phủ giao Nghệ An điều trị cho 640 bệnh nhân, nhưng Trung tâm đã triển khai vượt tiến độ. Tuy nhiên, với chỉ tiêu 3.400 bệnh nhân phải được điều trị nghiện bằng Methadone trong năm 2015 thì rất khó để đạt được. Nguyên nhân chủ yếu là do mạng lưới không phát triển kịp, thiếu thốn về kinh phí.
Theo số liệu, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 5.000 người nghiện ma túy cần phải điều trị bằng Methadone song qua thực tế kiểm tra cho thấy, nhiều đối tượng trong số này nghiện ma túy tổng hợp, không thuộc diện điều trị các chất thay thế bằng Methadone.
Đâu là nguyên nhân?
TS. Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng, nguyên nhân của việc tỉnh Nghệ An đạt chỉ tiêu điều trị nghiện bằng Methadone thấp là do chỉ tiêu mà Chính phủ giao quá cao; trong khi công tác chuẩn bị để đưa các cơ sở vào hoạt động cũng mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện mang tính tự nguyện nên việc thay đổi nhận thức của bệnh nhân cũng đòi hỏi một thời gian nhất định.
Hiện nay, không chỉ Nghệ An mà tại nhiều địa phương cũng đang tiến hành một lúc nhiều phương pháp cai nghiện như điều trị bằng Methadone, cai nghiện tại cộng đồng, cai nghiện bắt buộc…, dẫn đến chỉ tiêu chồng chéo, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cả hai chương trình.
Được biết, tỉ lệ bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone bỏ dở việc điều trị hàng năm là khá lớn, khoảng 20%. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2015, trong số 933 bệnh nhân được điều trị bằng Methadone thì đến nay, chỉ còn 690 bệnh nhân tiếp tục duy trì điều trị, chiếm khoảng 74%. Số bệnh nhân còn lại không tiếp tục điều trị xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Theo tìm hiểu được biết, mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo trên 40% số người nghiện ma túy dạng thuốc phiện có hồ sơ kiểm soát tại 100% huyện, thành, thị được tham gia chương trình điều trị nghiện bằng Methadone.
Thực hiện Quyết định số 3401/QĐ-UBND.VX ngày 22/7/2014 về “Phê duyệt kế hoạch điều chỉnh triển khai thực hiện chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020”, UBND tỉnh đã tăng đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương cho chương trình từ 1 tỉ 530 triệu đồng năm 2014 lên 5 tỉ 641 triệu đồng năm 2015. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai mô hình xã hội hóa điều trị nghiện bằng Methadone, thay vì được hỗ trợ 100% chi phí điều trị như hiện nay, bệnh nhân sẽ đóng góp một phần từ 7.000 - 10.000 đồng một lần uống. |