Pháp luật

Khốn đốn vì cho doanh nghiệp mượn 'sổ đỏ' thế chấp ngân hàng

14:39, 29/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cho bạn thân là giám đốc doanh nghiệp mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để “sử dụng lúc cần thiết”, thế nhưng khi ngân hàng báo nợ, gia đình mới tá hỏa khi biết rằng, GCNQSDĐ đã bị thế chấp để vay hàng tỉ đồng. Điều đáng nói là, cả hai vợ chồng đều khẳng định, họ chưa từng đến ngân hàng cũng như văn phòng công chứng để ký vào hồ sơ vay vốn, song việc giao dịch trước đó vẫn diễn ra bình thường.

Nguy cơ mất nhà vì cho mượn GCNQSDĐ

Ông Phạm Quang Thuyết (SN 1958) trú tại khối Trường Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An phản ánh: Do có mối quan hệ thân tình nên ngày 3/11/2011, ông có cho Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương Thắng (Công ty Thương Thắng), trụ sở tại 21 Lý Thường Kiệt, TP Vinh, tỉnh Nghệ An mượn GCNQSDĐ của gia đình tại khối 14, phường Hưng Bình (nay là phường Hưng Phúc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), diện tích 167,18 m2, thuộc quyền sử dụng của ông Phạm Quang Thuyết và vợ là bà Phạm Thị Hòa.

Trong thời gian cho mượn GCNQSDĐ, Nguyễn Ngọc Trung đến nhà vợ chồng ông Thuyết - bà Hòa 3 lần để nhờ ký tên vào 3 tờ giấy. Nhưng do tin tưởng bạn bè nên hai vợ chồng đã ký tên mà không hề xem qua nội dung được thể hiện trong những loại giấy tờ này.

Đến ngày 8/9/2011, hai vợ chồng ông Thuyết mới ngã ngửa khi cán bộ tín dụng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank chi nhánh Nghệ An đến nhà đưa giấy thông báo dư nợ quá hạn. Lúc này, ông bà mới biết rằng, GCNQSDĐ của gia đình đã bị Công ty Thương Thắng thế chấp tại ngân hàng, cùng với hai tài sản đảm bảo khác của Công ty để vay 9,5 tỉ đồng.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Thuyết đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ
Ngôi nhà của vợ chồng ông Thuyết đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ

Sau khi gửi đơn tố cáo hành vi của Nguyễn Ngọc Trung đến cơ quan CSĐT, ông Thuyết đã trực tiếp đến trụ sở Ngân hàng Eximbank Nghệ An để làm việc thì được cung cấp hồ sơ liên quan. Lúc này, ông mới biết những lần Trung nhờ ký tên là để phục vụ cho hồ sơ thế chấp vay vốn (2 lần), phụ lục hợp đồng và chứng thực tại Văn phòng công chứng Vinh.

Ngay sau đó, từ tháng 10/2012, vợ chồng Trung đã bỏ trốn khỏi địa phương, Công ty Thương Thắng cũng không còn hoạt động tại địa chỉ cũ mà chuyển về xóm 10, xã Nghi Kim, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, do người khác làm đại diện. Vì vậy, Ngân hàng Eximbank Nghệ An đã phát đơn kiện tới tòa án.

Trong các ngày 17/10/2014 và 15/9/2015, qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP Vinh và TAND tỉnh Nghệ An, bản án đã được tuyên với cùng một kết quả. Theo đó, buộc Công ty Thương Thắng phải trả nợ số tiền hơn 15,2 tỉ đồng cho Ngân hàng Eximbank Nghệ An, bao gồm cả tiền gốc, tiền lãi và lãi quá hạn.

Trong trường hợp Công ty Thương Thắng không trả nợ hoặc trả không đủ thì Ngân hàng Eximbank có quyền yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự xử lý tài sản thế chấp đảm bảo để thu hồi nợ, trong đó có GCNQSDĐ diện tích 167,18 m2 mang tên ông Thuyết, bà Hòa ở phường Hưng Phúc (TP Vinh), theo Hợp đồng thế chấp số 00217, ngày 23/10/2009 và Phụ lục hợp đồng số 01 ngày 12/1/2011 để đảm bảo thanh toán cho khoản vay gốc và lãi tương ứng với số tiền 1,8 tỉ đồng.

Có hay không việc tiếp tay cho doanh nghiệp?

Trao đổi với P.V, ông Thuyết khẳng định, việc ông cho Nguyễn Ngọc Trung mượn GCNQSDĐ là có thật. Tuy nhiên, giao dịch này chỉ được ghi nhận bằng tờ giấy viết tay, được đóng dấu từ Công ty Thương Thắng chứ vợ chồng ông chưa bao giờ đăng ký hay ủy quyền thế chấp quyền sử dụng đất ở của mình tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Trọng Điệp, Trưởng văn phòng Luật sư Thành Điệp và cộng sự phân tích: TAND hai cấp đã dựa vào chữ ký của ông Thuyết, bà Hòa ở các trang hợp đồng, phụ lục hợp đồng và công chứng để tuyên án, cũng như phía Ngân hàng Eximbank Nghệ An dựa vào đây để tiến hành giao dịch với Công ty Thương Thắng mà không biết rằng, hợp đồng thế chấp ngày 23/10/2009 và phụ lục hợp đồng ngày 12/1/2011 đã vi phạm pháp luật về công chứng.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 6, Luật Công chứng 2006, người yêu cầu công chứng sau khi thống nhất các nội dung phải ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch; công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng. Tuy nhiên, bản hợp đồng thế chấp ngày 23/10/2009 có tất cả 5 trang, nhưng người yêu cầu là ông Thuyết, bà Hòa lẫn công chứng viên chỉ ký duy nhất vào tờ cuối cùng, còn các tờ còn lại không ký.

Ngoài ra, Luật Công chứng quy định, từ 2 trang trở lên phải đánh số thứ tự, song bản hợp đồng này không đánh số trang. Địa điểm công chứng cũng không phải tại Văn phòng công chứng Vinh theo quy định. Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Kính, Trưởng Văn phòng công chứng Vinh khẳng định, quá trình công chứng cho ông Thuyết, bà Hòa là đúng, không có gì sai. Ông Kính cho biết, việc công chứng được tiến hành tại trụ sở ngân hàng, theo yêu cầu của ông Thuyết, bà Hòa song điều này hoàn toàn trái ngược với khẳng định của hai vợ chồng là chưa từng đến ngân hàng để ký vào bất cứ loại giấy tờ, giao dịch nào. Ngoài ra, ông Kính cũng thừa nhận, việc công chứng viên không ký vào từng trang, cũng như không hướng dẫn cho vợ chồng ông Thuyết, bà Hòa ký vào là thiếu sót nghiệp vụ.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Nghệ An cho rằng, Ngân hàng giao dịch với Công ty Thương Thắng dựa trên các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản giữa vợ chồng ông Thuyết đã được Văn phòng công chứng Vinh chứng thực.

Hiện nay, bản án đã được tòa án hai cấp tuyên, phía Ngân hàng cũng chưa có động thái nào để siết nợ, nếu ông Thuyết có kiến nghị gì thì làm đề xuất để phía Ngân hàng xem xét, phối hợp giải quyết.

Trong khi đó, từ tháng 10/2012 đến nay, vợ chồng Nguyễn Ngọc Trung đã bỏ trốn khỏi địa phương, đến nay vẫn chưa ra trình diện. Tại các bản tường trình, lời khai của ông Thuyết đều cho rằng, việc vợ chồng ông ký vào các trang giấy để phục vụ giao dịch là do bị vợ chồng Trung lừa, lợi dụng tại các không gian và thời gian khác nhau, bản thân ông cũng chưa từng đến văn phòng công chứng hay trụ sở ngân hàng để ký vào giao dịch. Trong khi nội dung này chưa được thẩm định vì vẫn chưa lấy được lời khai của Nguyễn Ngọc Trung, do vậy chưa có căn cứ để bác bỏ lời khai của ông Thuyết.

Thiện Thành

Các tin khác