Pháp luật
Hiệu quả từ công tác phòng, chống mua bán người
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ở Nghệ An diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 59 vụ, 126 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người, trong đó chủ yếu là ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp, kinh tế khó khăn…
Chúng thường sử dụng chiêu bài tuyển lao động nữ đi làm thuê hoặc rủ đi buôn bán với mức thù lao cao, nhưng thực chất là để đem bán vào các động mại dâm hoặc bán ra nước ngoài.
Trước tình hình đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015, Ban Chỉ đạo PCTP, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch số 391 chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Lực lượng Công an lấy lời khai đối tượng trong một vụ mua bán người |
Qua theo dõi, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch gắn với cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu, đề án của Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ; xác định lĩnh vực ưu tiên, các giải pháp có tính đột phá và triển khai các danh mục đề án phù hợp với từng giai đoạn. Hàng năm, Ban chỉ đạo chương trình tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo lồng ghép chương trình PCTP mua bán người với các nội dung phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các mặt công tác liên quan đến nội dung này.
Riêng Công an tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác phòng, chống mua bán người gắn với các chuyên đề về đảm bảo TTATXH, như: Kế hoạch về “Mở đợt cao điểm tấn công tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Nghệ An” theo từng năm; kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020. Ngoài ra, chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát, thống kê số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày nghi bị lừa bán; số gia đình có con lấy chồng nước ngoài, đi du lịch trốn ở lại nước ngoài; số đối tượng lấy chồng nước ngoài nay về nước có biểu hiện nghi vấn dụ dỗ phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng, làm việc...
Qua đó, hỗ trợ đắc lực công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an các địa phương trong việc thực hiện kế hoạch, chủ động cử cán bộ đến các địa bàn trọng điểm, phức tạp về nạn mua bán người để tiến hành điều tra cơ bản, phối hợp xác minh các đơn thư tố cáo của bị hại, đồng thời tập trung xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã.
Ban chỉ đạo PCTP, ma tuý và tệ nạn mại dâm tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên đổi mới nội dung, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú. Đơn cử như: Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn trực tuyến cho 200 đối tượng là trưởng, phó thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở, trưởng phòng và giám đốc các phòng Văn hoá thông tin - Trung tâm văn hoá thông tin các huyện, thành, thị; in ấn và phát hành 2.100 cuốn bản tin để tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma tuý và mua bán người.
Các cơ quan báo chí Nghệ An, cơ quan đại diện và thường trú tại Nghệ An đã đăng trên 1.000 tin, bài, ảnh có nội dung liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; biểu dương các mô hình, điển hình, cổ vũ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Các ngành Công an, Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, Hội Cựu chiến binh... tổ chức trên 12.000 buổi tuyên truyền, họp khối, xóm, thôn, bản có lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người; mở 7 lớp tập huấn về công tác tuyên truyền, hoà giải cơ sở, phòng, chống tội phạm mua bán người cho gần 700 cán bộ, hội viên tham gia.
Thành lập mới 50 câu lạc bộ phòng, chống TNXH và nạn mua bán người; tổ chức 6 cuộc đối thoại chính sách về xuất khẩu lao động và phòng, chống mua bán người, di cư lao động; chỉ đạo triển khai mô hình “Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người” tại các xã trọng điểm. Ngoài ra, tổ chức hơn 500 cuộc gặp gỡ để tư vấn, động viên, giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán trở về; phát động hội viên cung cấp nguồn tin giúp đỡ cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, nhằm đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với tình trạng mua bán người, mua bán trẻ em, trong thời gian qua, lực lượng chức năng trên toàn tỉnh cũng đã tập trung lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người. Riêng lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã mở 10 đợt cao điểm phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn. Kết quả, trong 5 năm qua, đã phát hiện 59 vụ, 126 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Trong đó, BCH Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt 13 vụ, 33 đối tượng; lực lượng Công an phát hiện, bắt 46 vụ, 93 đối tượng. Hiện đã khởi tố 57 vụ, 125 bị can.
Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng trong các vụ án khai nhận đã tham gia lừa bán 121 phụ nữ, trẻ em, chủ yếu là bán sang Trung Quốc. Qua đó, phát hiện, triệt xóa 7 đường dây, giải cứu 26 nạn nhân. Riêng năm 2015, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, bắt 15 vụ, 40 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người, giải cứu 29 nạn nhân.
Điển hình, ngày 3/2/2015, Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTXH Công an tỉnh khám phá thành công Chuyên án 115N, bắt 3 đối tượng: Lâm Thị Vệ (SN 1971), Vi Thị Thoan (SN 1979) cùng trú tại xã Tam Quang và Vi Quang Dũng (SN 1992) trú tại xã Yên Na, cùng huyện Tương Dương về hành vi mua bán người; giải cứu 3 nạn nhân. Đấu tranh, mở rộng Chuyên án, Ban chuyên án bắt đối tượng Vi Thị Pim (SN 1976) trú tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương khi thị đang trên đường đưa 2 phụ nữ sang Trung Quốc bán, qua đó kịp thời giải cứu 2 nạn nhân. Đặc biệt, với những nạn nhân được giải cứu trong các vụ mua bán người, mua bán trẻ em, lực lượng chức năng đều phối hợp với các tổ chức tiến hành tư vấn tâm lý; đồng thời phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận và tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm ổn định cuộc sống.
Có thể nói, trong 5 năm qua, nhờ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nên công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần giữ vững ANTT trên địa bàn, được các cơ quan, ban, ngành và người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Hải Việt