Pháp luật

Đổi mới trong luật hộ tịch

Đảm bảo tốt hơn quyền và nghĩa vụ của công dân

10:18, 23/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có vai trò quan trọng trong quá trình quản lý Nhà nước, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch có vai trò quan trọng trong việc theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch. Nhằm tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hộ tịch, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.

Bài 2: Triển khai Luật Hộ tịch đòi hỏi nâng cao năng lực cán bộ

Luật Hộ tịch năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016; theo đó sẽ đặt ra yêu cầu cán bộ, công chức công tác trên lĩnh vực này phải không ngừng nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức tập huấn Luật Hộ tịch và nghiệp vụ chứng thực cho đội ngũ tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh
Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức tập huấn Luật Hộ tịch và nghiệp vụ chứng thực cho đội ngũ tư pháp - hộ tịch trên địa bàn tỉnh

Vẫn còn sai sót, hạn chế

Những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch của tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký hộ tịch. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn những hạn chế, thiếu sót. Một số địa phương còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận. Tỉ lệ đăng ký khai sinh, khai tử ở các huyện miền núi còn thấp. Tỉ lệ đăng ký lại, đăng ký quá hạn việc khai sinh, khai tử còn lớn. Một số đăng ký lại việc sinh, đăng ký khai tử còn có sai sót, chưa đảm bảo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã thực hiện từ năm 1990 trở về trước còn để xảy ra tình trạng bị thất lạc hoặc hư hỏng. Trên thực tế, cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc. Đội ngũ cán bộ làm công tác chứng thực, đăng ký và quản lý hộ tịch vẫn còn thiếu.

Hiện nay, rất nhiều đơn vị cấp xã chỉ có 1 cán bộ tư pháp - hộ tịch, đó là chưa kể trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ một bộ phận trong số đó còn hạn chế.

Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức tư pháp - hộ tịch

Theo quy định tại Điều 72, Luật Hộ tịch thì công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải đảm bảo các tiêu chuẩn như: Có trình độ trung cấp luật trở lên, được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch, chữ viết rõ ràng, trình độ tin học phù hợp với yêu cầu công việc… So với các tiêu chuẩn về công chức tư pháp - hộ tịch trước đây quy định trong Nghị định 158 năm 2005 của Chính phủ về đăng ký quản lý hộ tịch thì quy định của Luật Hộ tịch có phần bao quát hơn; nhằm tăng tính chuyên nghiệp và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực tư pháp - hộ tịch. Từ đó, cũng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch tại cấp xã hiện nay.

Như vậy, nhiệm vụ quản lý và đăng ký hộ tịch của UBND cấp huyện và cấp xã là hết sức nặng nề. Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trên của cả hai cấp đang gặp phải những khó khăn cơ bản, trong đó chủ yếu là về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ hộ tịch cấp huyện, xã chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Theo số liệu của Sở Tư pháp, hiện ở cấp xã có 770 công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó có 400 người chuyên trách tư pháp, 336 người kiêm nhiệm tư pháp - hộ tịch, 348 người có bằng trung cấp luật, 386 người có bằng đại học luật. Ở cấp huyện, số lượng cán bộ tư pháp - hộ tịch là 69 người; trong đó 1 người có trình độ chuyên môn Thạc sỹ luật, đại học luật 57 người, đại học khác 8 người và trung cấp luật 3 người.

Nhằm khắc phục những thiếu sót, tồn tại trên và đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác phổ biến sâu rộng các văn bản về quản lý, đăng ký hộ tịch trong nhân dân. Rà soát, đánh giá đội ngũ làm công tác hộ tịch để có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho những người có thẩm quyền, đội ngũ cán bộ tư pháp trong tỉnh; nhất là ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý và thực hiện việc đăng ký cho nhân dân theo đúng quy định. Ngoài ra, cần cập nhật kịp thời những văn bản quy phạm mới ban hành để có hướng dẫn triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, tuân thủ trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch theo quy định gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động “một cửa”, “một cửa liên thông,” làm tròn trách nhiệm với nhân dân trong quá trình thụ lý, hướng dẫn việc đăng ký hộ tịch.

Song song với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, yếu kém trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở.

Cao Loan

Các tin khác