(Congannghean.vn)-Cho đến thời điểm này, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh vẫn chưa thể xác minh chính xác ai là chủ đầu tư chính thức của ki-ốt sắp giải tỏa mặt bằng phục vụ dự án tòa tháp Euro Window Nghệ An tại số 22, đường Cao Thắng, phường Hồng Sơn, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Người đại diện đơn vị này cho biết thêm, đến thời điểm bàn giao mặt bằng, nếu vẫn chưa xác định được chủ nhân chính thức thì số tiền đền bù sẽ phải giữ lại, đến khi sự việc được làm rõ thì mới chi trả.
Vừa qua, Tòa soạn Báo Công an Nghệ An nhận được đơn của ông Nguyễn Tiến Đề trú tại số 110A, đường Lê Huân, phường Hồng Sơn, TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, vợ ông là bà Nguyễn Thị Kiều Phưng, nguyên là cán bộ Công ty CP Phát hành sách Nghệ An. Năm 1988, bà Phưng được cơ quan giao cho một ki-ốt bán hàng bám mặt đường Cao Thắng, phường Hồng Sơn, TP Vinh, tỉnh Nghệ An hiện nay.
Tuy nhiên, diện tích ki-ốt này chỉ 42 m2, khiến không gian sinh hoạt gia đình chật hẹp, bên cạnh đó, vợ chồng ông còn phải nuôi thêm mẹ già và con nhỏ nên chỗ ở càng chật chội hơn. Do vậy, năm 1997, ông Đề làm đơn xin thuê thêm một phần đất phía sau ki-ốt của phường Hồng Sơn (30 m2 - P.V) để xây dựng nới rộng không gian sinh hoạt.
Thế nhưng, vào năm 2015, khi diện tích ki-ốt này của gia đình nằm trong diện giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho Dự án tòa tháp Euro Window Nghệ An thì xảy ra tranh chấp giữa gia đình ông Đề với Công ty CP Phát hành sách Nghệ An. Theo ông Đề, phía Công ty CP Phát hành sách Nghệ An cho rằng, toàn bộ ki-ốt mà gia đình ông Đề được giao từ năm 1988 đến nay đều là tài sản của Công ty (kể cả phần cơi nới do ông Đề xin xây thêm vào năm 1997). Do có sự tranh chấp giữa ông Đề và Công ty CP Phát hành sách Nghệ An nên đến nay, gia đình ông Đề vẫn không được nhận số tiền bồi thường tài sản 90 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, xác minh sự việc cho thấy, về bằng chứng chứng minh toàn bộ diện tích ki-ốt hiện nay ở số 22 đường Cao Thắng là của mình, Công ty CP Phát hành sách Nghệ An có trình ra một phiếu chi (số 629, ngày 31/12/1998) với số tiền 19.369.000 đồng, người nhận tiền là ông Hoàng Nghĩa Trúc trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, lý do chi là xây phòng bán hàng Công ty. Tuy nhiên, ông Trúc lại khẳng định, số tiền ông nhận từ Công ty CP Phát hành sách Nghệ An là tiền công xây dựng cửa hàng phía trước, không liên quan đến việc xây dựng nhà (ki-ốt) phía sau. Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, tờ phiếu chi này không ghi rõ địa điểm xây ki-ốt bán hàng của Công ty CP Phát hành sách Nghệ An là ở đâu?
Ki-ốt số 22, đường Cao Thắng, phường Hồng Sơn, TP Vinh, tỉnh Nghệ An |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cho hay: “Về sự việc gia đình ông Đề phản ánh, chúng tôi đã mời 2 bên lên giải quyết. Hai bên thống nhất phần diện tích 40 m2 của ki-ốt phía trước (giáp đường Cao Thắng) là của Công ty CP Phát hành sách Nghệ An, đến nay Công ty đã nhận tiền đền bù. Đối với hạng mục tài sản trên phần diện tích cơi nới 30 m2 phía sau do gia đình ông Đề xây dựng thì các bên chưa thống nhất được nguồn gốc số tiền đầu tư xây dựng”.
Về phía Công ty CP Phát hành sách Nghệ An, bà Lê Thị Mai Oanh, Giám đốc Công ty cho biết: “Tôi mới giữ chức Giám đốc Công ty 2 năm nay. Tôi nghĩ, ki-ốt bán hàng là của Công ty thì khi đền bù tài sản phải thuộc Công ty. Đến nay, chúng tôi đã nhận 103 triệu đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng phía trước ki-ốt (giáp mặt đường Cao Thắng - P.V), còn lại phần phía sau, chúng tôi không tranh chấp. Việc xác định ai là chủ nhân chính thức của phần còn lại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi xác định ai là chủ nhân để nhận phần tiền đền bù còn lại thì chúng tôi chỉ yêu cầu được cung cấp 1 bộ hồ sơ để làm căn cứ”.
Ngày 20/10/2015, qua tìm hiểu tại Phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng - Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh, chúng tôi được biết: Hiện tại, đơn vị này cũng chưa thể khẳng định khối lượng tài sản còn lại này là của ai. Theo ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng thì cái khó hiện nay là phải xác định nguồn tài chính đầu tư xây dựng ki-ốt là của ai. Nếu số tiền gia đình ông Đề bỏ ra xây dựng ki-ốt đã khấu hao hết theo hợp đồng thì việc đền bù phần vỏ (tường bao xung quanh) ki-ốt hiện tại sẽ là của phường Hồng Sơn. Ngược lại, nếu số tiền ông Đề bỏ ra xây ki-ốt mà chưa khấu hao hết thì tài sản sẽ hoàn toàn thuộc về gia đình ông Đề.
Ông Hà cũng khẳng định, hiện nay, việc xác định phần vỏ của ki-ốt là khó khăn nhất. Riêng phần bên trong gồm các công trình như gác xép, nhà vệ sinh…, chắc chắn là của gia đình ông Đề. Thời gian tới, để đảm bảo tiến độ dự án, chúng tôi sẽ tiến hành giải tỏa ki-ốt, còn số tiền đền bù sẽ phải giữ lại, khi xác định rõ chủ đầu tư thì mới chi trả”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người nắm rõ nhất sự việc trên hiện nay là ông Dương Minh Hà, Bí thư Đảng ủy phường Hồng Sơn. Bởi, tại thời điểm gia đình ông Đề mượn đất xây thêm ki-ốt thì ông Hà đang làm kế toán phường Hồng Sơn. Ông Hà cũng là người tính toán giá trị khấu hao đầu tư ban đầu trong “Bản hạch toán xây ki-ốt” của gia đình ông Đề vào ngày 2/1/1997.