Pháp luật
Cần xử lý nghiêm các đối tượng trục lợi từ chính sách với người có công
(Congannghean.vn)-Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, nhiều người đã để lại một phần thân thể trên chiến trường. Trong những năm qua, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người có công. Trong đó tập trung vào gia đình thân nhân các liệt sĩ, các đối tượng là thương binh, bệnh binh, chịu ảnh hưởng của chất độc màu da cam.
Để kịp thời giải quyết chế độ cho những trường hợp người có công bị thất lạc hồ sơ gốc, Thông tư số 28/TTLT-BLĐTBXH-BQP được ban hành và áp dụng trong thực tế đã góp phần giải quyết chính sách cho những đối tượng có công chưa được hưởng chế độ. Tuy nhiên, đáng buồn là đã có không ít đối tượng lợi dụng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước nhằm trục lợi. Thủ đoạn phổ biến nhất là khai man, làm giả các loại hồ sơ.
Một số đối tượng giả thương binh để nhận tiền trợ cấp bị đưa ra xét xử |
Lợi dụng kẽ hở từ quy định “chỉ cần hai người xác nhận là có thể tiến hành làm hồ sơ”, không ít trường hợp dù chỉ bị tai nạn nhưng vẫn nghiễm nhiên trở thành thương binh, bệnh binh và được nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Có “cầu” thì ắt có “cung”, vì vậy, đã xuất hiện những đường dây làm hồ sơ thương binh, bệnh binh giả với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Lực lượng chức năng đã phát hiện, đưa ra “ánh sáng” nhiều vụ với quy mô lớn xảy ra ở một số địa phương trên cả nước thời gian qua.
Điển hình như ngày 2/7/2015, Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nhà ông Đặng Hồng Tư ở khối Tân Thành 2, phường Lê Mao, TP Vinh, qua đó phát hiện và thu giữ trên 70 kg tài liệu với nhiều loại giấy tờ khác nhau. Trong đó có những quyển sổ ghi các khoản tiền đã nhận của một số người đề nghị làm chế độ; các loại giấy chứng nhận về thương tật, giấy chứng nhận về giám định sức khỏe… Trước đó, đầu tháng 5/2015, sau khi có kết luận của thanh tra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã ra quyết định đình chỉ hưởng trợ cấp đối với một số trường hợp bị phát hiện làm giả, khai man hồ sơ thương binh, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thu hồi số tiền đã chi trả.
Tình trạng giả mạo, khai man hồ sơ để hưởng chế độ người có công với cách mạng nói chung, chế độ thương, bệnh binh nói riêng có chiều hướng gia tăng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đối với những người sử dụng thẻ thương binh, bệnh binh giả, họ không chỉ trục lợi ngân sách từ số tiền trợ cấp hàng tháng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. Hành vi của họ đã xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước về chính sách với người có công.
Để chấn chỉnh tình trạng khai man, làm giả hồ sơ, trục lợi từ chính sách ưu đãi đối với người có công, trong quá trình xét duyệt hồ sơ, các cơ quan có thẩm quyền cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy định. Đặc biệt, những người trực tiếp thực hiện công việc quan trọng này phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, chuẩn xác khi xác minh, hoàn thiện hồ sơ.
Quá trình thẩm tra phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, cần tranh thủ thông tin của những người có cùng thời gian công tác, để tránh bỏ sót trường hợp. Bên cạnh đó, với các đối tượng cố tình khai man để hưởng chế độ chính sách, cần kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Theo đó, hành vi sử dụng thẻ thương binh giả có thể bị truy cứu trách nhiệm về 2 tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 267, Bộ luật Hình sự hiện hành, nhằm gia tăng mức độ răn đe, cảnh tỉnh.
Bùi Minh Tuấn