(Congannghean.vn)-Để ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ và ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tích cực tham gia đấu tranh phòng chống các loại tội phạm và TNXH, giữ vững ANTT, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 521/QĐ-TTg về việc lấy ngày 19/8 hàng năm là Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ.
Bài 1: Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTQ trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm qua (19/8/2005 - 19/8/2015), phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã phát triển rộng khắp, trở thành sức mạnh to lớn của mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ, từ đó tạo chuyển biến mới trong công tác đảm bảo ANTT.
Công an huyện Kỳ Sơn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại thôn, bản |
Nghệ An là tỉnh lớn, với diện tích tự nhiên trên 16.480 km2, dân số hơn 3 triệu người, có 21 huyện, thành, thị, trong đó có 11 huyện miền núi, 27 xã biên giới với trên 419 km đường biên giáp với nước bạn Lào và 92 km bờ biển. Toàn tỉnh có 7 dân tộc thiểu số sinh sống với trên 42 vạn người; cùng nhiều đồng bào theo đạo, trong đó tập trung ở 3 tôn giáo lớn là Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, với truyền thống cần cù lao động, chịu thương chịu khó, đại đa số người dân luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp. Nhờ đó, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các phong trào thi đua.
Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là hình thức hoạt động tự giác, có tổ chức của đông đảo nhân dân lao động trong tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, nhằm bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn TTATXH, bảo vệ tài sản Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân. Vì vậy, sau khi có Quyết định 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, Công an Nghệ An với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 24/1/2006 để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành, thị về thực hiện “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”. 10 năm qua, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch chỉ đạo công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó nội dung trọng tâm là chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ.
Trên cơ sở chỉ thị, kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh, Công an Nghệ An đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với các điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương. Đồng thời phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về ý nghĩa của Ngày hội, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, phát động toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, TNXH. Cùng với đó, đề xuất khen thưởng, kịp thời biểu dương; tham mưu công tác kiểm tra và thông báo đôn đốc chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ.
Có thể thấy, trong những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được tổ chức xây dựng, duy trì và có bước phát triển sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng vùng, khu vực và địa bàn dân cư. Đạt được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên; sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo nhân dân.
(Còn nữa)
Bài 2: Nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả