(Congannghean.vn)-Quyền khiếu nại, quyền tố cáo là một trong những quyền của công dân, quyền con người đã được Hiến pháp quy định, được thể chế hoá trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Cùng với đó, tháng 7/2014, Luật Tiếp công dân ra đời và có hiệu lực, trở thành cơ sở pháp lý quan trọng quy định về quyền lợi, trách nhiệm của người tố cáo, khiếu nại, kiến nghị và phản ánh. Do đó, thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng theo quy định của pháp luật sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tuân thủ tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp.
Thời gian qua, ngành Thanh tra đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó góp phần đưa công tác tiếp công dân liên quan đến khiếu nại, tố cáo đối với cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đi vào nề nếp, theo đúng luật định. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Năm 2013, Thanh tra tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Chánh Thanh tra các huyện, thành, thị, các sở, ngành về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân sẽ giúp hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo |
Theo đó, Thanh tra các cấp huyện - ngành cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức cũng như nhân dân để giảm bớt vụ việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo không đúng quy định; tham mưu thủ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm nâng cao trách nhiệm của các phòng, ban trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong đó, chú trọng công tác thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ; chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm pháp luật. Cùng với đó, chú trọng công tác bố trí đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết pháp luật, có uy tín với nhân dân, được nhân dân tin tưởng... Cán bộ làm công tác tiếp công dân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo cần thường xuyên cập nhật những tin tức, quy định mới về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chú trọng đến việc tuyên truyền, giải thích, phổ biến đến người khiếu nại, tố cáo nhằm tạo sự đồng thuận cao trong người dân.
Một trong những yêu cầu quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là hồ sơ nghiệp vụ liên quan. Đây là yêu cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện kết quả của quá trình kiểm tra, xác minh và kết luận nội dung khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo là những căn cứ, chứng cứ để đưa ra quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo. Giải quyết được nhiệm vụ này sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài. Theo ông Thái Quang Huy, Phó phòng Thanh tra I Thanh tra tỉnh, đối với mỗi vụ việc, hồ sơ nghiệp vụ có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, khi giải quyết xong các vụ việc, một số phòng chuyên môn không thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ giải quyết để nộp về bộ phận lưu trữ của cơ quan mà tự lưu giữ tại phòng mình. Do vậy, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo không được lưu giữ một cách tập trung, có hệ thống, gây ra tình trạng thất lạc hồ sơ, tài liệu. Qua thực tiễn cho thấy, nhiều vụ việc đã không tìm thấy hồ sơ để tiến hành giải quyết. Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã có quy định về lưu giữ hồ sơ và Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành Quy chế lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, công tác lập và lưu giữ hồ sơ, tài liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số huyện, ngành chưa được quan tâm đúng mức.
Làm tốt công tác tiếp công dân sẽ hạn chế tối đa đơn thư vượt cấp, tác động trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Do đó, chú trọng nâng cao hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ rất quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức, nhất là với người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, lồng ghép vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư để từ đó phổ biến đến từng hộ gia đình, thực hiện tốt việc đối thoại và công tác hoà giải ở cơ sở.
.