(Congannghean.vn)-Từ khi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 có hiệu lực, công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được triển khai rộng khắp. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng; sự phối hợp giữa cơ quan chuyên trách và các ngành, đoàn thể ngày càng chặt chẽ với hình thức phối hợp rất đa dạng, phong phú và mang lại hiệu quả tích cực.
Nghệ An là một trong những địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm. Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh hiện có 6.690 cơ sở làm nghề kinh doanh dịch vụ với 8.954 người phục vụ; 13 chủ chứa, 68 đối tượng môi giới mại dâm; 70 người bán dâm (có hồ sơ quản lý) và 332 đối tượng nghi hoạt động mại dâm; có 10/21 huyện, thành, thị và 30/480 xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm. Tệ nạn mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động này ngày càng biến tướng và có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin.
Các cơ quan chức năng tuyên truyền về phòng, chống mại dâm tại nhà hai bé gái bị bán sang Trung Quốc ở xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong |
Qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, đến nay, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn mại dâm, nhờ đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh hơn 2.500 lượt cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Qua đó, đã yêu cầu 2.300 chủ cơ sở và đối tượng liên quan ký cam kết không tổ chức các hoạt động mại dâm; triển khai 17 đợt cao điểm tấn công tội phạm, trong đó có 6 đợt cao điểm truy quét tệ nạn mại dâm; triệt xóa 4 địa bàn, 20 tụ điểm phức tạp về tệ nạn này. Đồng thời, phát hiện và bắt giữ 259 vụ, 798 đối tượng hoạt động mại dâm, trong đó, khởi tố 181 vụ, 281 bị can, xử lý hành chính 78 vụ, 518 đối tượng.
Đội kiểm tra liên ngành 178 đã tổ chức 69 đợt kiểm tra với 1.672 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát hiện 979 cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm. Trong đó có 522 cơ sở bị lập biên bản xử phạt với hình thức cảnh cáo, 457 cơ sở bị nhắc nhở; lập hồ sơ đưa 485 gái mại dâm vào giáo dục và chữa trị tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội I; định hướng nghề cho 287 học viên; các địa phương đã tạo điều kiện cho 105 người vay vốn tạo việc làm, có thu nhập để ổn định đời sống.
Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, phòng, chống AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành; nguy cơ, tác hại của tệ nạn mại dâm đối với cộng đồng, xã hội để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức được, từ đó có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Đồng thời, để mọi người thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn này.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn xã hội và hoạt động của đội hoạt động xã hội tình nguyện cũng nhận được sự quan tâm của dư luận và sự đồng thuận cao của người dân. Ở các xã, phường, thị trấn, công tác tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm, ma tuý nói riêng được xem là nhiệm vụ trọng tâm và được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Điển hình như huy động toàn bộ xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới đoàn viên, hội viên, từ đó làm lực lượng nòng cốt để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. Có 100% xã, phường, thị trấn phát động cam kết không để xảy ra tệ nạn xã hội trong gia đình và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. 100% đại diện các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn phường, xã đã ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Những kết quả trên đã góp phần thực hiện hiệu quả Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 trên địa bàn tỉnh, nhờ đó kiềm chế được sự gia tăng và hạn chế những diễn biến phức tạp liên quan đến tội phạm và tệ nạn mại dâm, nhất là ngăn chặn hậu quả tệ nạn mại dâm liên quan đến tội phạm mua bán người.
.