Pháp luật
Cần cộng đồng chung tay giám sát
(Congannghean.vn)-Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có hàng nghìn đối tượng đang thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ và quản chế, hoãn thi hành án. Trong những năm qua, cơ quan thi hành án các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để quản lý tốt nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn tồn tại những bất cập trong quá trình phối hợp thực hiện.
Theo Bộ luật Hình sự, hình phạt “cải tạo không giam giữ” được áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng, còn “án treo” được hiểu là việc miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện trong trường hợp khi xử phạt tù không quá 3 năm và ấn định thời gian thử thách từ 1 - 5 năm.
Giữa “án treo” và “cải tạo không giam giữ” có những điểm khác nhau, song xét về bản chất thì đều giống nhau ở chỗ: Người thụ án không bị cách ly khỏi xã hội mà được chung sống với gia đình như những người khác, nhưng dưới sự giám sát của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nơi người đó làm việc hoặc cư trú.
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 20/6/2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.056 đối tượng đang hưởng án treo, 159 đối tượng chịu án phạt cải tạo không giam giữ và 12 đối tượng quản chế nằm trong diện theo dõi, quản lý. Ngoài ra, có 91 đối tượng tại ngoại, 34 trường hợp tạm đình chỉ thi hành án và 110 trường hợp hoãn thi hành án, được trở về địa phương. Các tội danh chủ yếu là đánh bạc, cố ý gây thương tích và tai nạn giao thông.
Ban Pháp chế HĐND tỉnh thực hiện việc giám sát công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn |
Quá trình giám sát của cơ quan Thi hành án Công an tỉnh cho thấy, sau khi nhận các bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án, hầu hết các cơ quan thi hành án đều thực hiện tốt phần việc của mình. Việc chấp hành quy định về thủ tục, trách nhiệm giám sát và giáo dục đối tượng bị phạt tù cho hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ tại các địa phương cơ bản đảm bảo theo quy định.
Nhiều địa phương đã tổ chức các biện pháp giáo dục, phòng ngừa các đối tượng phạm tội mới, thông qua việc thường xuyên gặp gỡ các đối tượng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng đã chấp hành xong thời gian thử thách của án treo và thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ khi được địa phương chuyển hồ sơ đề nghị đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn và vướng mắc. Một số đối tượng sau khi bản án có hiệu lực đã không trở về địa phương hoặc tuy về nhưng lại không chấp hành sự quản lý, thậm chí còn tái phạm. Công tác giám sát, giáo dục các đối tượng tại một số địa phương còn lỏng lẻo, nhiều nơi còn phó mặc và coi đó là trách nhiệm của ngành Công an. Cùng với đó, đến nay, vẫn chưa có nguồn kinh phí riêng để phục vụ cho lĩnh vực này, do vậy đã gây ra nhiều khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện.
Đại úy Nguyễn Thị Thủy, Phó đội trưởng Đội Hướng dẫn Thi hành án và Hòa nhập cộng đồng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho biết thêm: “Đến nay, mặc dù đã có Thông tư, Nghị định hướng dẫn việc xử phạt đối với người thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ, song do chính quyền một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc nên không có tính răn đe. Một số đối tượng tạm hoãn thi hành án, theo quy định không quá 1 năm nhưng sau thời hạn, vẫn không thể đưa đi thi hành án vì nhiều lý do khác nhau. Ngoài ra, theo quy định, đối tượng ốm đau, bệnh tật thì phải có bệnh án, luật quy định trưng cầu giám định sức khỏe nhưng vì không có kinh phí đã dẫn đến nhiều trường hợp không thực hiện được”.
Trung tá Lê Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và HTTP đánh giá, dưới sự đôn đốc của cơ quan thi hành án cấp tỉnh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành công an, tòa án và viện kiểm sát cũng như chính quyền các cấp, công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã đi vào ổn định, nề nếp.
Đặc biệt, sau khi Luật Thi hành án đi vào thực tiễn và với việc thành lập cơ quan Thi hành án hình sự Công an các cấp, hoạt động này đã được thực hiện quyết liệt hơn; các đối tượng được soát xét và lập danh sách đưa vào diện quản lý, hiệu quả là tỉ lệ tái phạm đã giảm hơn trước rất nhiều. Cũng trong thời gian này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh cũng đã có các buổi làm việc, giám sát tại một số đơn vị, địa phương trong công tác thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh.
Qua giám sát, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã kiến nghị cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án hình sự, đặc biệt là thi hành án treo và án phạt cải tạo không giam giữ cho đội ngũ cán bộ thuộc cơ quan thi hành án cấp huyện.
Đồng thời đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tương đương, Trưởng Công an cấp xã trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục các đối tượng nhằm giúp đỡ họ trong quá trình chấp hành án, thực hiện tốt nghĩa vụ đã cam kết, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thiên Thảo