Pháp luật

An toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

15:07, 24/06/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Năm 2015 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn làm Năm An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản mà trọng tâm là sản phẩm rau, thịt và thủy sản nuôi. Tuy nhiên, vì đây là lĩnh vực rộng nên công tác thanh kiểm tra nhằm đạt được một số mục tiêu đã đề ra là không hề dễ dàng, nhất là khi vấn đề đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sử dụng rau, thịt vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay.
 
Trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xác định, giám sát thuốc tồn dư bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả. Cuộc kiểm tra được tiến hành tại 8 địa phương chuyên sản xuất, cung ứng rau trên thị trường, như các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh và TX Cửa Lò. Tại 8 địa phương này, đoàn đã chọn và lấy 131 mẫu rau để tiến hành kiểm tra. Qua đó phát hiện 3,5% số mẫu rau, củ, quả vượt ngưỡng an toàn. Còn năm 2013, thông số này là 6,5%. 
Người dân vẫn chưa thật sự yên tâm  khi mua thực phẩm được bán tại các chợ
Người dân vẫn chưa thật sự yên tâm khi mua thực phẩm được bán tại các chợ
 
Rau, thịt là mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày của người dân. Câu chuyện về chọn mua rau, thịt sạch đã trở thành nội dung quen thuộc đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATVSTP trong giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ đầu mối đang diễn biến phức tạp như hiện nay khiến người dân không khỏi lo ngại.
 
Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, một trong những tiêu chí quan trọng mà ngành nông nghiệp hướng tới là giảm tồn dư hóa chất, kháng sinh và ô nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm, theo ông Ngô Xuân Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An: Trong đợt kiểm tra vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 tại 13 chợ ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện 5/13 mẫu thịt lợn không đạt chuẩn và bị nhiễm khuẩn Samonella, 5/13 mẫu thịt gà không đạt tiêu chuẩn tổng số vi khuẩn hiếu khí…  
 
Riêng dụng cụ giết mổ và phương tiện vận chuyển các loại gia súc, gia cầm như dao thớt, thùng xe… tại tất cả các chợ đều không đảm bảo. Vào trung tuần tháng 3/2014, Chi cục Thú y đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh phát hiện, xử phạt một cơ sở giết mổ tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương vì có hành vi bơm nước vào thịt trâu, bò.
 
Một trong những nội dung quan trọng mà các ngành, trong đó chủ đạo là ngành nông nghiệp phải tiến hành trong thời gian tới là tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lưu thông, mua bán hóa chất, kháng sinh cấm, thuốc thực vật, thuốc thú y; đồng thời với việc kiểm soát giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong sử dụng thuốc bảo vệ thú y, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
 
Nói về thực trạng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh, ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết: Hiện nay, các cơ sở sản xuất và chế biến đảm bảo tốt yêu cầu về ATVSTP chiếm tỉ lệ rất ít (Loại A). Riêng các cơ sở bị xếp loại C, nếu qua tái kiểm tra vẫn xếp loại C, sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do một số cơ sở hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, việc sản xuất, chế biến diễn ra trong nhà dân nên rất khó quản lý. Hiện, ngành đang hướng tới xây dựng chuỗi mô hình sản xuất thực phẩm an toàn tại một số địa phương.
 
Vấn đề đảm bảo ATVSTP không thể đạt được kết quả trong “ngày một, ngày hai” mà lĩnh vực này đòi hỏi quá trình dài lâu, với sự tham gia tích cực, chủ động của các cấp, các ngành. Trong tất cả các lĩnh vực, nông nghiệp là ngành ảnh hưởng lớn nhất đến sự an toàn về sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người dân. Dẫu biết vẫn còn khó khăn và chịu sự tác động của nhiều yếu tố nhưng vấn đề đảm bảo ATVSTP vẫn phải tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Mai Hậu

Các tin khác