Pháp luật
Về vụ phá rừng phòng hộ nguyên sinh trên vành đai biên giới
08:15, 25/06/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-"Chúng tôi mong cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ việc", đó vừa là tâm sự, vừa là mong muốn của lãnh đạo huyện Thanh Chương sau khi xảy ra vụ phá rừng phòng hộ nguyên sinh ngay trên đường tuần tra vành đai biên giới thuộc xã Thanh Thủy trong thời gian vừa qua. Được biết, vụ việc đã được báo cáo lên UBND tỉnh và đang được cơ quan điều tra khẩn trương làm rõ hành vi của từng đối tượng cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan.
Báo Công an Nghệ An số 1999 ra ngày 12/6/2015 có đăng phóng sự “Tàn phá rừng phòng hộ trên vành đai biên giới”, thông tin chi tiết, cụ thể về vụ phá rừng quy mô lớn tại khu rừng phòng hộ nguyên sinh nằm sát đường tuần tra vành đai biên giới thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương. Sau khi bài báo phát hành, đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành cũng như đông đảo bạn đọc.
Ba đối tượng khai thác gỗ trái phép bị tạm giữ trong vụ việc |
Trong bài báo, câu hỏi băn khoăn nhất được tác giả cũng như bạn đọc đặt ra là tại sao trên một con đường độc đạo, hai đầu được nhiều lực lượng bảo vệ rất nghiêm ngặt, lại là khu vực “nhạy cảm” về mặt quân sự, mà “lâm tặc” lại có thể ngang nhiên vào khai thác gần 20 cây gỗ táu với hơn 35 m3 gỗ trong rừng phòng hộ nguyên sinh, trong một khoảng thời gian dài mà không ai hay biết? Tại sao một con người, một chiếc xe máy để đi qua các trạm kiểm soát là vô cùng khó, vậy mà “lâm tặc” lại đưa được cả hai chiếc xe ôtô vào tận trong đường tuần tra biên giới để bốc gỗ? Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với một số đơn vị chức năng liên quan cũng như chính quyền cơ sở tại huyện Thanh Chương về vụ việc.
Ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương
“Lãnh đạo huyện Thanh Chương rất quan tâm đến công tác bảo vệ rừng, nhất là khu vực rừng phòng hộ nguyên sinh ở xã Thanh Thủy bởi trữ lượng gỗ ở đây rất lớn, ngoài ra, đây còn là nơi có cảnh quan rất đẹp. Huyện rất muốn xây dựng nơi đây thành khu bảo tồn thiên nhiên để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì vậy, hàng năm, huyện đã quan tâm, chỉ đạo rất quyết liệt về công tác bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, “lâm tặc” hoạt động rất mạnh, khiến cho diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn huyện bị thu hẹp rất nhiều, gây bức xúc trong nhân dân. Sau khi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với sự góp mặt của các lực lượng liên quan như Kiểm lâm, TNXP, Bộ đội Biên phòng... thống nhất cần nâng cao trách nhiệm của các lực lượng trong việc bảo vệ nguồn rừng ở đây thì từ đó đến nay, công tác bảo vệ rừng đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi rất tiếc khi vừa qua lại xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng trên.
Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, qua kiểm tra, huyện đã đề nghị các lực lượng, chính quyền cơ sở tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của các lực lượng liên quan trong vụ việc. Sự việc cũng đã được huyện báo cáo lên UBND tỉnh, Kiểm lâm tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... Địa điểm xảy ra sự việc rất gần nơi các lực lượng có trách nhiệm đóng quân, dù một tiếng cưa xăng cũng đã đủ để phát hiện ra, vậy mà “lâm tặc” lại khai thác trong thời gian gần 1 tuần, thậm chí còn đưa được cả xe ôtô qua các trạm kiểm soát là điều bất thường. Huyện chưa có kết luận gì về sự việc nhưng sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh để làm rõ và truy tố các đối tượng ra trước pháp luật. Chúng tôi rất mong cơ quan điều tra nhanh chóng điều tra, làm rõ bản chất của vụ việc này”.
Ông Bùi Quang Nam, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Chương
“Tối 7/6/2015, tôi nhận được điện thoại từ cán bộ cho biết, có một vụ phá rừng tại xã Thanh Thủy nên đã cử cán bộ đến hiện trường để kiểm tra, xử lý. Qua xác minh cho thấy, khu vực rừng bị phá là một khu vực rất “nhạy cảm”, nằm trên vành đai biên giới, được bảo vệ nghiêm ngặt; lại là vùng giáp ranh giữa hai đồn Biên phòng Ngọc Lâm và Thanh Thủy và giáp ranh giữa 2 chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương và Tổng đội TNXP5. Chúng tôi cho rằng, đây là một thủ đoạn mới của “lâm tặc” và việc các đối tượng khai thác gỗ ở vùng giáp ranh đã được tính toán rất kỹ.
Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm huyện cũng đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý các vụ vi phạm lâm luật, tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, cả Hạt Kiểm lâm Thanh Chương chỉ có 21 cán bộ, chịu trách nhiệm quản lý hơn 64.000 ha rừng, trong đó chỉ có 4 cán bộ phụ trách 10 xã với 19.000 ha rừng ở trạm Thanh Thủy nên công tác tuần tra, kiểm tra có lúc còn lơ là, dẫn đến khi xảy ra vụ phá rừng trên đã không phát hiện được. Chúng tôi không dám khẳng định trong vụ phá rừng này có sự tiếp tay, bảo kê hay không, nhưng sẽ phối hợp với các lực lượng liên quan nghiêm túc làm rõ vụ việc”.
Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng BQL rừng phòng hộ Thanh Chương
“Đây là một vụ việc rất đáng tiếc. Sau khi nhận được thông tin, với tư cách là chủ rừng, tôi đã cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm đếm số cây bị triệt hạ. Tại xã Thanh Thủy, chúng tôi luôn bố trí 2 điểm chốt chặn vào địa điểm trên, một điểm ở khe Cấm mỏ đá và một điểm ở Khe Mừ. Mỗi điểm bố trí 4 cán bộ trực liên tục, vì vậy, nếu có một người lạ vào đây, chúng tôi sẽ phát hiện được. Nhưng không hiểu sao, “lâm tặc” vẫn vào được địa điểm này để khai thác gỗ trong một thời gian khá dài mà không bị phát hiện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đôn đốc cán bộ tăng cường công tác kiểm tra và đề nghị Đồn Biên phòng Thanh Thủy bố trí cán bộ cùng phối hợp trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng”.
Được biết, hiện cơ quan điều tra đang tiến hành làm rõ hành vi của từng đối tượng trong vụ phá rừng nghiêm trọng này, cũng như làm rõ trách nhiệm của các lực lượng liên quan. Chúng tôi sẽ phản ánh đến bạn đọc khi có những thông tin mới nhất về vụ việc.
P.V