Pháp luật
Xung quanh đề xuất cấp giấy phép lái xe số tự động
09:20, 22/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu việc sửa đổi quy định pháp lý để cấp riêng hai loại giấy phép lái xe (GPLX) ôtô số sàn và số tự động theo nhu cầu của người học lái xe. Mặc dù dự tính đến đầu tháng 9 mới trình duyệt, song ngay khi mới được đưa ra, đề xuất này đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Cấp GPLX số tự động theo nhu cầu của người học
Xuất phát từ thực tế hiện nay, việc đào tạo, cấp GPLX vẫn đang được thực hiện theo Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT, quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, người học lái xe vẫn phải học và thi số sàn nếu muốn được cấp GPLX, trong khi thực tế hiện nay, số người mua xe ôtô số tự động lại nhiều hơn và họ không có nhu cầu học lái xe số sàn mà chỉ học lái xe số tự động.
Xung quanh đề xuất cấp GPLX số tự động vẫn còn gây nhiều tranh cãi |
Từ thực tiễn đó, Bộ GTVT đã kiến nghị sửa đổi Thông tư 46/2012/TT-BGTVT nhằm tách chương trình đào tạo lái xe riêng về số tự động cho những người chỉ muốn học lái xe số tự động, giảm thời gian học cho họ so với việc phải học cả lái xe số sàn. Do việc đào tạo lái xe số sàn và số tự động khác nhau, yêu cầu đối với lái xe số sàn cao hơn số tự động nên sẽ bổ sung quy định theo hướng, người có GPLX số tự động không được lái xe số sàn, nếu lái xe số sàn thì sẽ chịu hình thức xử phạt tương đương với không có GPLX. Còn người có GPLX số sàn thì được phép lái cả xe số tự động.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Khi đề xuất này được đưa ra, ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của dư luận và cũng đã có không ít ý kiến trái chiều. Ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Nghệ An cho rằng, quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế và xu thế chung hiện nay. Người học có nhu cầu vẫn cứ học lái xe số sàn để được lái cả xe số sàn và số tự động như bình thường nên về cơ bản, không có gì thay đổi hoặc xáo trộn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Nghệ An cũng cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 46 để cấp riêng GPLX số tự động thực chất là nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế ngày càng có nhiều người có nhu cầu học lái xe số tự động, đặc biệt là đối tượng phụ nữ thường lái xe số tự động. Nếu họ không có nhu cầu học và sử dụng xe số sàn thì nên có chương trình đào tạo riêng về lái xe số tự động.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, phần lớn các ý kiến đều cho rằng, đề xuất này là không cần thiết, sẽ khiến bộ máy đào tạo thêm cồng kềnh, từ đó dễ phát sinh những tiêu cực. Anh Nguyễn Văn Chính, lái xe chuyên tuyến Vinh - Đà Nẵng cho rằng, đào tạo cấp GPLX quan trọng không phải ở bằng loại gì mà quan trọng là ở kỹ năng xử lý các tình huống xảy ra khi đang lưu thông. Mục đích hàng đầu của việc đào tạo lái xe là để sau khi học, người học có thể lái thành thạo, đảm bảo an toàn chứ không phải là việc được cấp GPLX số sàn hay tự động.
Một giám đốc của Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn TP Vinh cho rằng, đề xuất này gây khó khăn cho các trung tâm đào tạo lái xe vì phải trang bị thêm xe để phục vụ việc dạy học viên. Ngoài ra, để cấp riêng GPLX xe số tự động thì phải đào tạo từ đầu tới cuối theo chương trình mới bằng xe số tự động, do đó cần phải bổ sung thêm giáo trình, vì vậy sẽ rất tốn kém. Theo ông này, trước đây, trong chương trình đào tạo lái xe ôtô chung, đã có thời lượng dành riêng cho học lái xe số tự động, nay nếu muốn thì chỉ cần bổ túc, tăng thời lượng là đủ.
Ở một khía cạnh khác, nếu hai loại GPLX này được cấp, sẽ gây khó dễ cho cơ quan chức năng khi tiến hành các biện pháp xử phạt nếu người được cấp bằng vi phạm trong lĩnh vực trật tự ATGT. Theo đó, để biết chính xác người tham gia giao thông có vi phạm quy định về GPLX hay không thì lực lượng CSGT lại phải tiến hành kiểm tra xem phương tiện lưu thông là xe số sàn hay số tự động rồi mới áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định. Trong khi đó, điều này từ trước đến nay chưa có tiền lệ.
Từ tháng 8/2014, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về Giao thông đường bộ và công ước về Biển báo - tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna). Tuy nhiên, nhiều nước tham gia Công ước này không công nhận GPLX với xe số tự động nên đề xuất trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi trước khi trình Bộ GTVT thẩm duyệt vào tháng 9 tới đây.
Thiên Thảo