Pháp luật
Phát huy hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở
08:07, 28/05/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong đời sống hàng ngày, những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh nếu không được giải quyết sớm có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bởi vậy, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh quan tâm, thực hiện, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Qua đó, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Pháp lệnh về hoạt động hòa giải năm 1998 và Luật Hòa giải cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) được ban hành, cùng với những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được triển khai đồng bộ, kịp thời đến các cấp, ngành đã giúp cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả, nhận thức của người dân từng bước được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 5.896 thôn, tổ dân phố với 5.829 tổ hòa giải và 36.520 hòa giải viên.
Phát huy dân chủ cơ sở là thước đo hiệu quả cho hoạt động hòa giải |
Theo thống kê của ngành tư pháp, từ năm 2012 đến tháng 6/2014, các tổ hòa giải đã nhận hòa giải 16.271 vụ việc, trong đó, lĩnh vực dân sự có 5.069 vụ việc, hôn nhân - gia đình có 5.431 vụ và các lĩnh vực khác có trên 5.700 vụ. Trong số đó, vụ việc hòa giải thành công là 12.431 (đạt gần 76,5%). Trong các vụ hòa giải thành công, có nhiều vụ hòa giải tạo được sự thuyết phục, đem lại quyền lợi cho các bên. Điển hình như vụ hòa giải tranh chấp đất đai là tài sản của bố mẹ để lại giữa các anh em họ Đặng ở khối 14, phường Lê Lợi, TP Vinh; tranh chấp ranh giới về đất đai giữa các cá nhân ở xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương; tranh chấp địa giới hành chính ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong.... Đây là những vụ tranh chấp giữa các bên với nhiều tình tiết phức tạp, kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến ANTT thôn, xóm.
Qua đánh giá chung, thực hiện Pháp lệnh về hoạt động hòa giải và Luật Hòa giải cơ sở, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Từ những vụ hòa giải thành công đã “hóa giải” được các mâu thuẫn, tranh chấp hay những xích mích trong các mối quan hệ cộng đồng. Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, không để chuyện “bé xé ra to” đã góp phần làm giảm các vi phạm pháp luật phát sinh liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính...; góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.
Thực tế cho thấy, ở hầu hết các tổ hòa giải đều có đầy đủ sự tham gia của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội nông dân và những người có uy tín, đủ năng lực trong thể hiện, truyền đạt. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động hòa giải trên địa bàn tỉnh, cũng như phát huy hiệu quả quyền dân chủ ở cơ sở của mỗi cá nhân, tổ chức.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Chưa có cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải chưa được quy định rõ; các quy định đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan tư pháp đối với hoạt động hòa giải chưa đầy đủ. Mặt khác, phong trào hòa giải chưa thực sự đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, trình độ nghiệp vụ và sự hiểu biết pháp luật của các hòa giải viên còn hạn chế, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người làm công tác hòa giải…
Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả hơn nữa, đồng thời nhằm đưa Luật Hòa giải cơ sở đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, cá nhân và nhân dân cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội. Xây dựng ý thức “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” trong mỗi công dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh trật tự, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Xuân Thống