Pháp luật
Thực phẩm chức năng 'treo đầu dê, bán thịt chó' - ai phải chịu trách nhiệm?
16:17, 16/04/2015 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trước những thông tin khuất tất liên quan đến sản phẩm TPCN Nasu America - Salipo, anh An đã liên lạc với cả 2 Công ty NutraMed, TME Enterprises theo địa chỉ ghi trên nhãn mác lọ thuốc nhưng không được, vì điện thoại không có người nghe máy và email thì bị trả lại...
Mua thực phẩm chức năng (TPCN) để hỗ trợ điều trị ung thư với giá cao, nhưng khi tìm hiểu thì người mua mới tá hỏa: Sản phẩm này khi nội dung giới thiệu ở nhãn phụ phần tiếng Việt hoàn toàn khác với nội dung trên nhãn chính in bằng tiếng nước ngoài. Đây là câu chuyện hoàn toàn có thật của anh Nguyễn Văn An, có cô con gái 16 tuổi bị ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sản phẩm TPCN Nasu America – Salipo anh An mua do Công ty Song Hoàng Anh nhập khẩu. |
Ngày 15/4, chúng tôi gặp anh An tại khu điều trị ở Bệnh viện Nhi và được anh kể: Con có bệnh nên anh cũng “vái tứ phương”, đi hỏi khắp các nhà thuốc với hy vọng tìm được loại thuốc tốt nhất để chữa bệnh cho con. Thế rồi, anh được một nhà thuốc trên đường Thụy Khuê tư vấn mua loại TPCN Nasu America - Salipo có công dụng đào thải tế bào xấu sau xạ trị.
Anh bảo, khi đọc tờ giới thiệu ghi rất nhiều loại công dụng: Thải trừ các chất độc, các chất ung thư ngoại sinh và nội sinh ra ngoài cơ thể; tăng cường sức mạnh hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại nhiều bệnh hiểm nghèo (ung thư, HIV…; làm chậm quá trình lão hóa, làm trắng da và hỗ trợ điều trị nám đạt hiệu quả cao; bảo vệ não, gan, tim mạch, thận, hồng cầu, hệ thống miễn dịch tránh khỏi sự tổn hại do gốc tự do gây nên, bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương hoại tử trong các bệnh lý viêm gan v.v… anh như người bắt được vàng.
Đọc tờ nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rõ, loại TPCN này do TME Enterprises sản xuất tại Hoa Kỳ (Made in USA) và được Công ty Song Hoàng Anh, địa chỉ 12/125 Thụy Khuê – Hà Nội nhập khẩu - phân phối, anh tràn ngập niềm tin về chất lượng thuốc như đã được giới thiệu.
Mặc dù giá một lọ Nasu America - Salipo là không rẻ, giá 960.000 lọ với 30 viên, ngày uống 6-12 viên, nhưng anh An vẫn mua mấy lọ cho con sử dụng, với hy vọng sẽ giúp cháu bé cải thiện sức khỏe. Vì theo tư vấn của người bán hàng thì một liều dùng sẽ hết chừng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi xem có thông tin phản ảnh về tình trạng có TPCN giả trên thị trường, thì gia đình mới xem lại những lọ Salipo đã mua và phát hiện ra nhiều điểm bất thường: Sau khi bóc tem phụ tiếng Việt thì thông tin trên vỏ lọ TPCN hoàn toàn khác với vỏ hộp về mã vạch, còn nơi sản xuất lại là Công ty NutraMed chứ không phải TME Enterprises như đã ghi.
Khi anh An tra mã vạch vỏ hộp thì không ra bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường Hoa Kỳ, còn mã vạch lọ đựng TPCN thì lại là của sản phẩm bóng đèn DigiMax Digital HPS Lamp 600W. Những dấu hiệu trên càng khiến anh An nghi ngờ, nên anh đã lên mạng tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp Hoa Kỳ, thì cũng không thấy bất kỳ sản phẩm hay Công ty nào là Nasu America. Còn Công ty đóng nén TME Enterprises chỉ là một đơn vị qui mô nhỏ với số nhân viên là 5 người và nhà xưởng rất nhỏ.
Đặc biệt, anh An còn phát hiện thông tin, Công ty TME Enterprises đã từng bị cấm sản xuất các sản phẩm thuốc, TPCN vì có những vi phạm nghiêm trọng. Anh An cho biết, trước những thông tin khuất tất liên quan đến sản phẩm TPCN trên, gia đình anh đã liên lạc với cả 2 Công ty NutraMed, TME Enterprises theo địa chỉ ghi trên trang chủ website của họ nhưng không được, vì điện thoại không có người nghe máy và email thì bị trả lại.
Vì thế, gia đình anh An rất bức xúc, đã liên lạc trực tiếp với đơn vị nhập khẩu – phân phối là Công ty Song Hoàng Anh theo số máy 04.62556262 ghi trên sản phẩm, thì được giải đáp là do in nhầm vỏ hộp nên không khớp với ruột bên trong, rồi đùn đẩy nhau trả lời cũng như hứa liên lạc lại nhưng rồi vẫn bặt âm vô tín.
Anh An bức xúc: Nếu biết rằng, nhiều gia đình bệnh nhân ung thư phải bớt từng bữa ăn để có tiền mua thuốc cho người bệnh, mới thấy sự giả mạo này vô cùng bất nhẫn. Bên cạnh vấn đề tiền bạc, thì việc đưa ra thị trường những loại TPCN giả mạo thế này rất nguy hiểm, khi gia đình người bệnh vì tin tưởng nên cứ lao theo thứ sản phẩm không có tác dụng gì, khiến bệnh càng nặng thêm và nguy cơ đến tính mạng là điều khó tránh.
Thông tin về sản phẩm Salipo do Công ty Song Hoàng Anh nhập khẩu đã lập tức gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chúng tôi đã liên lạc với công ty và được một người nữ cho biết sẽ gọi lại, nhưng đến thời điểm bài báo đã lên khuôn, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi.
Ngay trong sáng 15/4, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) và được TS. Phong cho biết, ông cũng đã nhận được thông tin này từ mạng xã hội. Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, nếu nội dung phản ánh là đúng thì đó là sự gian lận thương mại.
TS. Nguyễn Thanh Phong đã chỉ đạo Thanh tra Cục ATTP xác minh thông tin, yêu cầu cán bộ của Cục ATTP đã làm hồ sơ nhập khẩu sản phẩm Salipo cho Công ty Song Hoàng Anh khẩn trương báo cáo, đồng thời, mời đại diện công ty trên đến làm việc, để kiểm tra hồ sơ nhập khẩu cũng như giải thích về việc nội dung của nhãn phụ và nhãn chính không giống nhau.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, do đại diện của Công ty Song Hoàng Anh đi vắng nên buổi làm việc giữa Cục ATTP với công ty được dời vào sáng nay, 16/4. Nội dung buổi làm việc cùng kết luận cuối cùng của Cục ATTP, cũng như có hay không trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, phụ thuộc vào việc Công ty Song Hoàng Anh có đưa ra được các giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm TPCN hay không. Kết luận cuối cùng của Cục ATTP với vụ việc sẽ được Báo CAND cập nhật đến bạn đọc ngay khi có quyết định.
Nguồn: Cand.com.vn