Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (vừa trình UBTV Quốc hội tại phiên họp thứ 35) có một số sửa đổi, bổ sung về mô hình cơ quan điều tra, về điều tra viên so với Pháp lệnh hiện hành. Đây là dự án do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tới.
Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được trong hoạt động điều tra hình sự theo Pháp lệnh năm 2004, thực tế cũng cho thấy Pháp lệnh này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều tra hình sự như: còn có nhiều quy định chung nên khi thực hiện phải có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, một số quy định về thẩm quyền điều tra, quan hệ phối hợp trong hoạt động điều tra, quan hệ giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, quy định về điều tra viên… chưa cụ thể.
Việc sửa đổi lần này chỉnh lý, bổ sung về mô hình cơ quan điều tra, về chức năng, nhiệm vụ các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra, về tiêu chuẩn điều tra viên… Theo dự luật, có cơ quan điều tra trong CAND, trong QĐND và cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao. Cơ quan điều tra có Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, điều tra viên và trợ lý điều tra.
Tổ chức của Cơ quan CSĐT Bộ Công an gồm có Cục CSĐT quản lý, kiểm tra, hướng dẫn điều tra; Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Cục Cảnh sát hình sự); Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (gọi tắt là Cục Cảnh sát kinh tế); Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng; Cục CSĐT tội phạm về ma túy; Cục CSĐT tội phạm về buôn lậu. Ở cấp tỉnh cũng tương tự là các phòng CSĐT.
Tổ chức của Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện gồm có Đội Điều tra tổng hợp; Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Đội Cảnh sát hình sự); Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (gọi tắt là Đội Cảnh sát kinh tế); Đội CSĐT tội phạm về ma túy. Như vậy, so với mô hình hiện hành, dự luật bổ sung đầu mối là Cục và Phòng CSĐT tội phạm về buôn lậu, đồng thời đổi Văn phòng cơ quan CSĐT thành đơn vị cấp cục (thuộc Bộ) và phòng (thuộc tỉnh).
Cùng với đó, về việc bổ sung quy định kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là nội dung mới, đang còn ý kiến trái chiều. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không bổ sung kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 không chỉ đạo bổ sung các cơ quan này.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Chuẩn hóa chức danh điều tra viên, nâng cao hiệu quả điều tra tội phạm. |
Thảo luận tại phiên họp UBTV Quốc hội mới đây, nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện hành, không bổ sung các cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra do lo ngại “phình” bộ máy, đồng thời trình độ chưa đáp ứng, nhất là kiểm ngư vừa thành lập, nếu giao nhiệm vụ điều tra dễ bị lạm dụng, làm ẩu, sách nhiễu bà con ngư dân.
Về mô hình tổ chức của cơ quan điều tra, nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, mô hình theo Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có một số điểm hạn chế so với mô hình tổ chức cơ quan điều tra của Pháp lệnh năm 1989. Đó là không tách bạch được chức năng điều tra theo tố tụng với chức năng điều tra trinh sát, giữa điều tra theo tố tụng với chức năng phòng ngừa xử lý vi phạm hành chính, dễ dẫn đến việc thực hiện trùng lắp các chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Có ý kiến cho rằng, với mô hình kết hợp trinh sát và điều tra hiện nay thì dự thảo luật cần làm rõ bộ phận trinh sát có thuộc cơ quan điều tra hay không; nếu có thì quy định ở đâu và vai trò của bộ phận này như thế nào trong hoạt động điều tra hình sự.
Về việc thành lập đầu mối cấp Cục và Phòng CSĐT tội phạm về buôn lậu, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề cần thiết do tính chất phức tạp của loại tội phạm này, cần có đầu mối riêng để đảm bảo tính chuyên sâu, hiệu quả. Tuy nhiên, ý kiến của Ủy ban Tư pháp cho rằng, tội buôn lậu thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thuộc thẩm quyền điều tra của Cục và Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, do đó, không cần thiết thành lập thêm Cục CSĐT tội phạm về buôn lậu (ở cấp Bộ) và Phòng CSĐT tội phạm về buôn lậu (ở cấp tỉnh).
Về tiêu chuẩn chung của điều tra viên (Điều 42 của dự thảo luật), Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cần bổ sung tiêu chuẩn “đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch điều tra viên” là một trong những tiêu chuẩn để bổ nhiệm điều tra viên.
Về bổ sung quy định trợ lý điều tra (Điều 54 dự thảo luật), nhiều ý kiến cơ quan thẩm tra tán thành với đề nghị bổ sung chức danh này. “Trợ lý điều tra có vai trò giúp việc cho điều tra viên ở cơ quan điều tra; đồng thời, thực hiện một số công việc trong quá trình điều tra và nhằm tạo nguồn điều tra viên. Vì vậy, đề nghị quy định rõ về tiêu chuẩn, địa vị pháp lý của trợ lý điều tra (là một chức danh tư pháp độc lập) trong luật này và trong Bộ luật Tố tụng Hình sự” - Ủy ban Tư pháp nhận định.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành (không có chức danh trợ lý điều tra), vì cho rằng các thẩm quyền tố tụng trong giai đoạn điều tra phải được giao cho điều tra viên và điều tra viên phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, còn trợ lý điều tra không phải là chức danh tố tụng nên không có thẩm quyền trong hoạt động điều tra.
Điểm nữa, khoản 2 Điều 12 của dự thảo luật quy định Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh ngoài việc tiến hành điều tra các vụ án hình sự theo thẩm quyền thì còn tiến hành điều tra một số vụ án khác do Thủ trưởng ngành giao trong trường hợp cần thiết. Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng quy định Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh được tiến hành điều tra một số vụ án khác (ngoài các tội phạm được giao điều tra theo thẩm quyền) là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, cần quy định rõ một số tiêu chí để xác định thế nào là “trường hợp cần thiết” và “Thủ trưởng ngành”.
.