Pháp luật

Cảnh giác với tình ảo, mất tiền thật

15:07, 17/03/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thời gian gần đây, cơ quan công an thường xuyên tiếp nhận đơn thư tố cáo bị lừa tiền. Chỉ khác một điều nạn nhân không phải là các ông mà là các bà, các cô đang khao khát tình yêu, khao khát đổi đời và kẻ lừa đảo là mấy anh da màu ở trời Tây xa lắc.
 
“NGƯỜI YÊU” GỬI 200 NGÀN USD
 
Bà N.T.H (40 tuổi, ngụ Q.Tây Hồ, Hà Nội) thường xuyên tham gia các mạng xã hội. Cuối tháng 11-2014, thông qua Facebook, bà H. kết bạn với một người nước ngoài, tự giới thiệu là Nicholason Marcelon Smith, sinh sống tại Úc. Với bức ảnh trên trang cá nhân là một người đàn ông đẹp trai, phong độ, Nicholason nhanh chóng lấy được thiện cảm của bà H. Hai người thường xuyên liên lạc và tiến tới tình yêu. 
 
Ngày 2-12-2014, Nicholason nhắn tin cho bà H. với nội dung muốn gửi tiền về Việt Nam, nhờ H. giữ giúp để mua nhà. Ngày 3-12-2014, Nicholason thông báo đã gửi cho bà H. một gói quà gồm 1 điện thoại di động, 1 túi xách tay, món quà sẽ đến Việt Nam vào ngày 5-12-2014. Nicholason cho bà H. biết có giấu 200.000 USD trong gói quà, nhưng không khai báo với công ty vận chuyển để tiết kiệm chi phí. 
 
Nicholason nói với bà H. là đã cho công ty vận chuyển địa chỉ hộp thư điện tử của bà H., để họ liên hệ thu khoảng 1.550 USD tiền phí dịch vụ. Cùng ngày, bà H. nhận được tin nhắn từ địa chỉ sea.frightservices@gmail.com với nội dung: Công ty Sea Fright Shipping Companny tại Úc, đang vận chuyển một gói quà từ Úc về Việt Nam. Ngày 5-12-2014, bà H. tiếp tục nhận được tin nhắn từ địa chỉ thư điện tử trên, yêu cầu đóng 1.550 USD vào tài khoản số 060079484809 mang tên Nguyễn Thị Ngọc Nhung, mở tại Ngân hàng Sacombank. 
 
Tin tưởng “người yêu”, bà H. đến ngay Ngân hàng Techcombank tại An Dương, Hà Nội nộp tiền vào tài khoản của Nhung. Ngay sau khi chuyển tiền, Nicholason nhắn tin yêu cầu bà H. ngừng giao dịch, không chuyển tiền qua tài khoản của Nhung, mà chuyển tiền vào tài khoản số 4214954800316929, mang tên Dy Chenda mở tại Ngân hàng ACB. Thực hiện yêu cầu của Nicholason, bà Hạnh đến Ngân hàng ACB - Phòng giao dịch Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội nộp 32,7 triệu đồng (tương đương 1.550 USD) vào tài khoản của Dy Chenda và thông báo cho Nicholason biết. 
 
Hết ngày 5-12-2014, không nhận được quà nhưng bà H. không hề nghi ngờ. Ngày 6-12-2014, bà tiếp tục nhận được tin nhắn từ hộp thư điện tử với nội dung: Công ty vận chuyển phát hiện trong gói quà có 200.000 USD. Trường hợp bà H. muốn nhận quà, cần đóng thêm 1.140 USD. Bà H. báo tin cho Nicholason và được động viên cứ chuyển tiền, bởi 1.140 USD thấm tháp gì so với 200.000 USD. Vừa nộp thêm 1.140 USD, bà H. lại nhận được thư yêu cầu nộp thêm 3.720 USD nữa, nếu không sẽ bị tịch thu 200.000 USD trong gói quà. Bà Hạnh báo tin, Nicholason nói cứ yên tâm chuyển tiền theo yêu cầu. 
Bà H. tiếp tục đến Ngân hàng ACB nộp tiền vào tài khoản của Dy Chenda, nhưng Ngân hàng thông báo tài khoản này đã bị ngừng giao dịch. Liên lạc với “người yêu”, bà H. được Nicholason cho số tài khoản 101010004641495 mang tên Võ Thị Kim Thoa mở tại Ngân hàng Vietinbank để bà nộp 3.720 USD. Một ngày sau, nhận được tin nhắn cần nộp 2.000 USD (gồm phí hoãn giao hàng 4 ngày tiền lấy hàng), bà H. vẫn tin tưởng đi nộp số tiền này vào tài khoản đứng tên Võ Thị Kim Thoa. 
 
Ngày 10-12, không thấy quà về như hứa hẹn mà lại được bồi thêm tin nhắn yêu cầu nộp 3.250 USD, bà H. bắt đầu có chút nghi ngờ. Tâm sự với “người trong mộng”, thay vì bảo người yêu cảnh giác, Nicholason sốt sắng giục bà H. đi nộp tiền ngay khiến bà H. nghĩ mình bị lừa, nên âm thầm trình báo công an. Không biết điều này, Nicholason tiếp tục yêu cầu bà H. nộp 4.500 USD vào tài khoản của Chenda Dy hoặc của Võ Thị Kim Thoa. 
Đối tượng Tony (Simon hay Nicholason)
Đối tượng Tony (Simon hay Nicholason)
 
TIẾP TAY CỦA MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG NGƯỜI VIỆT?
 
Xác minh hai số tài khoản trên, công an xác định, ngoài bà H. còn một nạn nhân nữa tên Tô Thị Thu Hà (chưa rõ lai lịch) đã nộp vào tài khoản 060090628839 của Dy Chenda tổng số tiền khoảng 67 triệu đồng. Do kịp thời khóa nên hiện trong tài khoản này còn trên 50 triệu đồng. Trong khoảng thời gian cuối năm 2014, bằng phương thức thủ đoạn tương tự, một số đối tượng đã lừa 4 phụ nữ khác nộp khoảng 225 triệu đồng vào tài khoản số 0600 8856 6389 mở tại Ngân hàng Sacombank, do Phạm Thị Diễm Hồng đứng tên. 
Hồng, SN 1992, thường trú đường Nguyễn Khoái, P2Q4, TPHCM. Công an phường 2 cho biết Hồng đã rời địa phương đến tạm trú cùng cha là Phạm Văn Hiếu (SN 1968, hành nghề xe ôm) tại F11, tổ 11, xã Phong Phú, Bình Chánh, TPHCM từ năm 2010. Tuy nhiên, Công an xã Phong Phú cho biết địa chỉ trên không tồn tại và cũng không có đối tượng Phạm Thị Diễm Hồng xuất hiện tại địa phương. 
 
Khi Chenda Dy đến ngân hàng để yêu cầu mở khóa tài khoản, thì bị cơ quan điều tra triệu tập làm việc. Chenda Dy khai SN 1989, quốc tịch Campuchia, hiện sinh sống tại Phnom Penh. Chenda Dy thừa nhận có đứng tên mở 2 tài khoản Visa số 060090628839 tại Ngân hàng Sacombank và số 4214954800316929, tại Ngân hàng ACB cho một người bạn da màu tên Tony (không rõ tên đầy đủ). Chenda không biết Tony dùng hai tài khoản này vào việc lừa đảo. 
 
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, công an đã làm rõ việc Chenda Dy thực sự không liên quan đến hành vi sai phạm của Tony. Riêng Võ Thị Kim Thoa, cơ quan công an xác định được Thoa (SN 1988, quê ở Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) nhưng từ lâu đã bỏ quê lên Sài Gòn sinh sống. Thoa là đối tượng có các mối quan hệ khá phức tạp và rất thân thiết với Simon (còn gọi là Tony hay Nicholason Marcelon Smith), người Nigieria, sống lang thang ở TPHCM. Thoa khai nhận đứng ra mở tài khoản cho Simon, nhưng không biết Simon dùng tài khoản này để lừa đảo. Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ sự liên quan của Thoa đến đường dây lừa đảo này. Trường hợp Thoa có tham gia sẽ bị xử lý nghiêm theo luật.
 
Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TPHCM cho biết: “Các đối tượng người Nigeria và đồng bọn thường thông qua mạng xã hội tìm bị hại, đặt vấn đề quan hệ tình cảm nam nữ, sau đó lừa gửi quà về Việt Nam với giá trị lớn nhằm lấy lòng tin. Tiếp đó chúng dẫn dụ, yêu cầu bị hại nộp tiền phí vận chuyển qua tài khoản để chiếm đoạt. Tuy không mới nhưng với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của rất nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. 
 
Khách quan, chúng tôi nhận thấy, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân là trách nhiệm của lực lượng công an. Tuy nhiên, để công tác của ngành công an hiệu quả thì trước hết, người dân phải biết tự bảo vệ mình. Với những trường hợp kể trên, chính lòng tham và sự dễ dãi trong tình cảm của những người phụ nữ đã khiến họ lâm vào tình trạng “tiền mất hận mang”. Điều này cũng gây khó cho công tác điều tra, bởi mọi giao tiếp giữa họ và các đối tượng đều diễn ra trong thế giới ảo với tên và địa chỉ giả. Những đối tượng như Võ Thị Kim Thoa và Phạm Thị Diễm Hồng cũng góp phần không nhỏ, tiếp tay cho bọn tội phạm lừa đảo khi mở tài khoản và giao cho chúng sử dụng”. 
 
Cơ quan công an yêu cầu Phạm Thị Diễm Hồng hiện ở đâu, liên hệ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM (Đội 8 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), 324 Hòa Hưng, P13Q10, TPHCM, ĐT: 083.8640508 để làm rõ nội dung liên quan. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng báo, nếu Phạm Thị Diễm Hồng không đến cơ quan cảnh sát điều tra trình diện, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra cũng yêu cầu ai là nạn nhân đã từng gửi tiền vào các số tài khoản trên, đến cơ quan điều tra để cung cấp thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Nguồn: Báo CA TPHCM

Các tin khác