Pháp luật

Cần 'triệt tiêu' những điều kiện phát sinh tiêu cực trong hoạt động luật sư

09:45, 16/03/2015 (GMT+7)
Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động luật sư được cho rằng sẽ góp phần căn bản để hạn chế, tiến tới dần triệt tiêu những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp từ phía các luật sư, điển hình là “chạy án”.
 
Chưa có cơ chế hữu hiệu để phòng ngừa tiêu cực
 
Trên thực tế, thời gian qua vẫn còn tồn tại hiện tượng tiêu cực trong hành nghề luật sư, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến vi phạm pháp luật hình sự, tiếp tay cho tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.
 
Theo Liên đoàn luật sư (LĐLS) Việt Nam, từ năm 2009 đến hết năm 2014, có hơn 400 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với luật sư (LS). Trong nhiệm kỳ qua, các Đoàn LS đã xử lý kỷ luật khoảng 100 trường hợp, trong đó xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên đối với 25 LS. Ngoài ra, gần đây còn có một số LS đã vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự. 
 
Theo LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LĐLS Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực của đội ngũ LS một phần là do môi trường hành nghề của LS có nhiều điều kiện để phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Trong lĩnh vực hành chính vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, thiếu minh bạch, nếu thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, LS có thể có hành vi thỏa hiệp với tiêu cực, tiếp tay cho cán bộ, công chức thực hiện hành vi hối lộ và tạo điều kiện cho LS dễ phát sinh tiêu cực khác trong quá trình hành nghề.
 
Các luật sư tham gia tranh trụng tại một phiên tòa - Ảnh minh họa
Các luật sư tham gia tranh trụng tại một phiên tòa - Ảnh minh họa
 
LS Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh chỉ ra, hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện nên những quy định thiếu chặt chẽ, thống nhất trong các văn bản pháp luật, chưa kiểm soát chặt chẽ chức năng của những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tố tụng đã tạo ra "kẽ hở" để các bên có thể tùy nghi áp dụng pháp luật. Việc mất bình đẳng giữa luật sư với những người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng là một vấn đề cần phải xem xét.
 
Dẫn chứng trong các vụ án hình sự, LS muốn tham gia các buổi hỏi cung không dễ dàng, LS Nguyễn Văn Hậu cho rằng, đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến việc thay vì lựa chọn phương thức là kiên quyết đấu tranh với hiện tượng tiêu cực này để bảo vệ quyền lợi khách hàng thì một số LS chọn phương thức "nhẹ nhàng" hơn là thỏa hiệp với tiêu cực. Chính tâm lý thỏa hiệp với tiêu cực, chung chi tiền bạc, lợi ích vật chất để đạt được mục đích một cách dễ dàng của một bộ phận dân chúng và một số luật sư làm cho tiêu cực, tham nhũng càng ngày càng phát triển theo chiều hướng xấu hơn.
 
Song, trên thực tế, số vụ việc tiêu cực trong hành nghề LS chưa được phát hiện nhiều. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LĐLS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho hay, một phần do các khiếu nại, tố cáo không đủ cơ sở, chứng cứ để chuyển sang xử lý hình sự và nhiều trường hợp tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp chỉ có thể suy đoán có liên quan đến vai trò của LS mà không thể có đủ chứng cứ để xử lý. Trong khi đó, công tác phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động hành nghề LS còn hạn chế, chức năng giám sát hoạt động nghề nghiệp LS chưa được phát huy đúng mức...
 
Cải cách mô hình tố tụng để bịt kẽ hở tiêu cực
 
Theo LS.TS Đỗ Ngọc Thịnh: “Đây chỉ là những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của nghề LS và đội ngũ LS. Nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ làm mất niềm tin của người dân vào hệ thống cơ quan tư pháp, công lý và hoạt động LS”.
 
Hiện, Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động LS đang được LĐLS Việt Nam trình Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương cho ý kiến trước khi thông qua.
 
Theo đó, Đề án đặc biệt chú trọng đến giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp LS, đặc biệt là tới các LS mới vào nghề để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ LS ngay từ "gốc" nhận thức.
 
Hiện nay, LĐLS đang trong quá trình tiếp thu, xây dựng Quy chế giám sát LS nhằm tạo ra cơ chế hữu hiệu để thực hiện chức năng giám sát hoạt động hành nghề LS. Qua công tác giám sát, Đoàn LS, LĐLS phát hiện kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc của LS để có cảnh báo và biện pháp phòng ngừa, giáo dục, uốn nắn, cũng như có hình thức kỷ luật LS phù hợp.
 
Để bảo đảm việc xử lý đúng đắn, nghiêm minh đối với những vi phạm trong hành nghề luật sư, LĐLS tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các Đoàn LS thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, xử lý kiên quyết, kịp thời, áp dụng chế tài phù hợp đối với các hành vi vi phạm; tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong hành nghề LS.
 
Mặt khác, LS.TS  Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, mô hình tố tụng cần được cải cách làm sao cho người tiến hành tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng không thể và không có cơ hội làm sai hay vi phạm tố tụng, vi phạm pháp luật làm thiệt hại tới quyền lợi của những người tham gia tố tụng và tạo kẽ hở cho một số LS thực hiện các hành vi nêu trên.
 
“Với những giải pháp hữu hiệu trong Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động LS, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần căn bản để hạn chế từng bước những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp LS từ phía các LS, và xa hơn là dần triệt tiêu những điều kiện phát sinh tiêu cực trong hoạt động này”, LS.TS  Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ.
 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác