Pháp luật
Phổ biến luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú
15:36, 04/02/2015 (GMT+7)
Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, thay thế toàn bộ Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của NNN tại Việt Nam số 24/1999/PL-UBTVQH10. Luật số 47/2014/QH13 quy định một số nội dung cụ thể tại các điều sau:
Khoản 1, Điều 7: Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích.
Khoản 2, Điều 14: Cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh NNN phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định hoặc giấy phép hoạt động được cấp. Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, NNN có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú được mời, bảo lãnh NNN vào Việt Nam thăm và phải có giấy tờ chứng minh quan hệ với người được mời, bảo lãnh.
Điều 16: Thủ tục mời, bảo lãnh NNN nhập cảnh tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.
1. NNN không thuộc diện quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này phải thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh NNN trực tiếp gửi văn bản đề nghị cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh.
2. Trước khi làm thủ tục mời, bảo lãnh NNN nhập cảnh Việt Nam, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam, chi nhánh của thương nhân nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức kinh tế, văn hoá và tổ chức chuyên môn khác của nước ngoài tại Việt Nam phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh kèm theo hồ sơ, bao gồm:
a/ Bản sao có chứng thực giấy phép hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc thành lập tổ chức.
b/ Văn bản giới thiệu con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền của tổ chức.
Việc thông báo chỉ thực hiện một lần, khi có sự thay đổi nội dung trong hồ sơ phải thông báo bổ sung.
3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thị thực, cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh xem xét, giải quyết, trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
4. Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh NNN vào Việt Nam thông báo cho NNN để làm thủ tục nhận thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
5. Trường hợp đề nghị cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế, cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh xem xét, giải quyết trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 18 của Luật này; trong thời hạn 12 giờ làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đối với các trường hợp quy định tại điểm đ và e Khoản 1 Điều 18 của Luật này.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp thị thực cho NNN tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài phải thanh toán với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh khoản cước phí để thực hiện việc thông báo cấp thị thực.
Điều 33: Khai báo tạm trú
1. NNN tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho NNN và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi NNN đến cơ sở lưu trú.
3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của NNN. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của NNN theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
4. NNN thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Luật 47/2014/QH13 được ban hành góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất, nhập cảnh. Nội dung Luật liên quan trực tiếp đến đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Chính phủ cũng như yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, được dư luận quốc tế quan tâm.
Minh Quang