Pháp luật

Phải tăng chế tài xử phạt để chống buôn lậu

15:18, 04/02/2015 (GMT+7)
2014 là năm đánh dấu một bước thay đổi lớn trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại. Giống như kinh nghiệm của việc xử lý gà lậu, sự ra đời của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389) đã giúp cho hiệu lực quản lý được tăng cường.
 
Nhiều vụ việc lớn, mang tính chất đường dây, ổ nhóm đã được phát hiện, đưa ra truy tố, xét xử. Tuy nhiên, vẫn còn những kẽ hở trong chính sách phải được lấp kín, đặc biệt là việc tăng chế tài xử phạt, mới mong chống được hàng lậu.
 
Theo báo cáo mới đây của TP Hà Nội gửi lên Chính phủ: Tại địa bàn Thủ đô, nhiều vụ việc lớn đã bị phát hiện và xử lý, như vụ buôn lậu vàng lớn nhất từ trước tới nay đã bị lực lượng chức năng phát hiện với tang vật thu được lên tới 33,6kg vàng, trị giá 21 tỉ đồng; vụ kinh doanh vàng tài khoản trái phép với số tiền bị chiếm đoạt lên tới 270 tỉ đồng; vụ buôn lậu và làm giả thực phẩm chức năng lớn nhất vừa được phát hiện tại Bắc Ninh hay vụ phát hiện hàng tỷ đồng rượu ngoại nhập lậu tại ga Hà Nội...
 
Những kết quả này cho thấy chuyển biến rõ nét trong công tác chống lậu. Lực lượng chức năng đã mạnh tay hơn và đã “chạm” được đến các đường dây, các đầu nậu mà trước đây chưa thể sờ đến. Tại TP Hồ Chí Minh, 80.944 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cũng đã bị phát hiện, xử lý, trong đó Công an thành phố đã khởi tố 135 vụ án, tăng 36% so với 2013, đã kết luận, truy tố 110 vụ, tăng 70%... 
 
Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã có nhiều kế hoạch huy động lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Những tháng gần đây, sau Ban chỉ đạo 389 quốc gia được thành lập, các vụ lớn được truy tố, xử lý nhiều hơn trước.
 
Có những vụ rất lớn như bắt 126 tấn hàng lậu tại Quảng Ninh, kiểm đếm mấy tháng vẫn chưa xong, chưa xác định được giá trị bao nhiêu. Lực lượng chức năng phải huy động hàng trăm người mật phục trong 3 tháng và phát hiện hằng ngày đều có hàng chục, hàng trăm tấn hàng được vận chuyển lậu vào Việt Nam. Mới đây, 2 đối tượng cầm đầu một đường dây buôn lậu thuốc lá hàng chục năm cũng đã bị bắt, hay như vụ 12 tấn thực phẩm chức năng giả, vụ Công an Quảng Ninh mới bắt giữ vụ 40 tấn mỹ phẩm giả từ Trung Quốc.
 
Đặc biệt vào dịp gần Tết, tình hình mua bán, tàng trữ pháo nổ phức tạp hơn. Lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 582 vụ, trên 600 đối tượng, chủ yếu vào qua biên giới phía Bắc với số lượng hàng trăm tấn. Tuy bắt giữ nhiều hơn, nhưng Trung tướng Nguyễn Tiến Lực nhận định: Buôn lậu, gian lận thương mại không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng. Dù hiệu lực của công tác này đã tăng, nhưng còn không ít bất cập đang tồn tại, trong đó có những bất cập đã được kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý.
 
Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa lực lượng chức năng còn nhiều bất cập, hệ thống chính sách pháp luật còn chồng chéo, không phù hơp với thực tiễn. Lực lượng phòng chống buôn lậu, hàng giả vừa thiếu vừa yếu như vụ 126 tấn hàng đã được đề ở trên, hằng ngày, hàng chục tàu thuyền chở hàng lậu qua khu vực biên phòng làm nhiệm vụ mà không ai kiểm tra.
 
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác chống buôn lậu của Chính phủ với các địa phương được tổ chức mới đây, nhiều địa phương như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Long An, Hà Nội... một lần nữa kiến nghị việc sửa đổi Thông tư 60 hướng dẫn về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa, bởi việc cho bổ sung hóa đơn trong vòng 72 giờ đã tạo điều kiện cho nhiều chủ  hàng lậu xoay vòng hóa đơn để hợp lý hóa hàng lậu. Thông tư này ra đời từ năm 2011, thì đến năm 2012 đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, nhưng đến nay vẫn chưa được sửa. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần tăng chế tài xử phạt, đặc biệt là việc xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu. Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Nguyễn Quân cũng cho rằng mức phạt hành chính hiện nay không đủ sức răn đe, nên sửa đổi có mức xử phạt cao hơn.
 
Được biết, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu năm 2015 sẽ kiên quyết hơn đối với lĩnh vực này. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyên chiến với hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng với quyết tâm cao, đặc biệt chống bảo kê cho hàng lậu, xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu. Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm chính trị, nhiều nút thắt trong cơ chế, chính sách cũng cần phải sớm được xử lý để hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ, bảo vệ sức khỏe người dân và sản xuất trong nước.
 

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác