Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201501/bao-dong-tinh-trang-vi-pham-luat-giao-thong-trong-dam-cuoi-577112/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201501/bao-dong-tinh-trang-vi-pham-luat-giao-thong-trong-dam-cuoi-577112/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Báo động tình trạng vi phạm Luật Giao thông trong đám cưới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/01/2015, 08:52 [GMT+7]

Báo động tình trạng vi phạm Luật Giao thông trong đám cưới

(Congannghean.vn)-Hiện nay, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người đi dự đám cưới đang diễn ra rất phổ biến. Vi phạm dễ nhận thấy, như đi xe máy chở 2 - 3 người, không theo chỉ dẫn của đèn báo giao thông, không đội mũ bảo hiểm, xe máy, ôtô dàn hàng 3, hàng 4 khá phổ biến. Thậm chí, có đám cưới rước dâu còn ngang nhiên vi phạm tín hiệu đèn giao thông. Nhiều thanh niên còn uống rượu, đi xe máy lạng lách, đánh võng… gây nguy hiểm không chỉ đối với bản thân mà còn ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác trên đường. 

Tình trạng vi phạm TTATGT khi tham gia lễ rước dâu trong đám cưới  còn phổ biến
Tình trạng vi phạm TTATGT khi tham gia lễ rước dâu trong đám cưới còn phổ biến
Cứ vào mùa cưới, tình trạng vi phạm TTATGT trong đám cưới lại diễn ra, gây không ít khó khăn cho công tác đảm bảo TTATGT. Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ” thì hầu hết các phương tiện trên đều vi phạm Luật Giao thông đường bộ, dẫn đến hậu quả gây cản trở, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới những người tham gia giao thông khác trên đường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trong và sau đám cưới xảy ra trên địa bàn TP Vinh. 
 
Chúng tôi đi theo đoàn xe rước dâu của một đám cưới trên đường Nguyễn Phong Sắc, chứng kiến rất đông người đi đám cưới không đội mũ bảo hiểm, còn dàn hàng 3, hàng 4. Một số lái xe là nam giới còn thể hiện mình là “tay lái lụa” khi lạng lách, đánh võng, hò hét trên đường, trong đó, đa số là thanh niên. Khi được chúng tôi hỏi lý do tại sao không đội mũ bảo hiểm, bạn Trần Thanh M. không ngại ngần nói: “Bọn em đi đám cưới, ăn mặc đẹp, đầu tóc được tạo kiểu. Nếu đội mũ bảo hiểm thì sẽ làm hỏng các nếp tóc, như thế sẽ rất xấu và mất công chuẩn bị. Với lại, các bạn đi cùng cũng không ai đội mũ nên em cũng thế”. 
 
Theo số liệu từ Đội CSGT, Công an TP Vinh, từ đợt ra quân đầu năm 2013 đến nay, Đội CSGT Công an TP Vinh đã xử phạt 795 trường hợp vi phạm TTATGT khi đi lễ cưới. Trong đó, 795 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 278 trường hợp không có giấy phép lái xe, 103 trường hợp chở quá số người quy định, 289 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông và 56 trường hợp có nồng độ cồn vượt quá quy định. 
 
Chia sẻ về những khó khăn khi xử lý những đối tượng này, Trung tá Hoàng Duy Hà, Đội trưởng Đội CSGT, Công an TP Vinh cho biết: “Lễ cưới là ngày vui nên khi lực lượng mình ra quân gặp phải sự chống trả quyết liệt, bất hợp tác từ phía người vi phạm. Với tâm lý “đám cưới là ngày vui”, khi mình xử phạt thì người vi phạm cho đó là điều xúi quẩy, ảnh hưởng đến niềm vui đó nên rất khó xử lý dứt điểm. Sự phối hợp giữa chính quyền phường, xã với lực lượng CSGT trong việc xử lý vi phạm TTATGT của người dân khi đi đám cưới còn chưa thực sự quyết liệt và còn mang tính cả nể, hời hợt. Đội CSGT Công an thành phố chưa đủ quân số để thường xuyên ra quân xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong đám cưới. 
 
“Người dân phải luôn chấp hành pháp luật trong mọi trường hợp khi tham gia giao thông. Đây là nghĩa vụ của mỗi người, thể hiện tính văn hóa, nghiêm minh và cũng chính là bảo vệ an toàn giao thông cho chính bản thân mình”, Trung tá Hoàng Duy Hà nhấn mạnh. 
 
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng vi phạm TTATGT trong đám cưới, cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành và lực lượng chức năng. Cấp ủy, chính quyền cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các gia đình khi tổ chức đám cưới thực hiện nghiêm các quy định về nếp sống văn hóa, văn minh trong việc tổ chức lễ cưới, chú trọng đảm bảo TTATGT. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng cần kiên quyết hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm, không coi đám cưới là “ngoại lệ vì đó là ngày vui”.
 
Và quan trọng hơn hết chính là ý thức của chính mỗi người tham gia giao thông, như câu nói: “Bản thân chúng ta phải nghiêm túc thực hiện và vận động, nhắc nhở mọi người trong gia đình, bạn bè, người thân cùng nghiêm túc thực hiện, như thế mới đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ được trọn vẹn hơn” (trích trong bài “Tuyên truyền về thực hiện Luật Giao thông đường bộ trong đám cưới” của Đội CSGT, Công an TP Vinh).
.

Thu Thủy

.