Pháp luật
Thượng tôn pháp luật phải thống lĩnh trong đời sống chính trị - xã hội
15:04, 09/11/2014 (GMT+7)
Lâu nay, chúng ta thường nói “trình độ dân trí và sự hiểu biết của người dân về pháp luật còn hạn chế”. Nói như vậy có thể đúng, nhưng chưa đủ. Bởi vì, còn có câu chuyện của “quan trí”, sự hiểu biết về pháp luật của cán bộ, đảng viên. Nhân ngày “Pháp luật” - 9/11, chúng ta cùng chia sẻ vấn đề này.
Ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), quy định rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, bền vững trong công tác PBGDPL, đưa công tác này đi vào thực chất, hiệu quả. Một trong những giải pháp đó là việc Quốc hội đã lựa chọn và quyết định lấy ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của đất nước ta là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam, để từ đó hằng năm chúng ta tổ chức tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Ngày Pháp luật năm nay diễn ra đúng lúc Quốc hội khóa XIII, họp kỳ thứ 8. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp từ trước đến nay.
Lễ hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 2014 |
Để pháp luật thấm sâu trong đời sống chính trị - xã hội, thì giai đoạn quan trọng đầu tiên, đó là việc ban hành các đạo luật phải thực sự khoa học, công khai, minh bạch và khả thi, hay nói cách khác là luật phải gần dân, sát dân, mang được hơi thở của thực tiễn, hạn chế “luật khung, luật ống”. Để có được điều này, Quốc hội cần thảo luận kỹ càng, trí tuệ, dân chủ trước khi bấm nút thông qua. Quốc hội cần nói “không” với các dự án luật chuẩn bị sơ sài; các dự án luật bảo vệ lợi ích ngành, lợi ích cục bộ, soạn thảo dự án luật theo kiểu “dễ cho mình, khó cho người dân”…
Tiếp theo đó là trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan Tư pháp Trung ương soạn thảo các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành luật. Để khi luật chính thức có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc có đầy đủ các văn bản dưới luật, mang tính đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ ... Thông tư. Hiện tại, các cơ quan của Chính phủ còn nợ đọng hơn 20 Nghị định hướng dẫn thi hành luật là điều cần sớm “trả nợ”.
Khi đã có luật và các văn bản dưới luật, thì vấn đề quan trọng là phải tổ chức thi hành. Lâu nay, các cơ quan chức năng thừa nhận, đây chính là khâu yếu nhất. Vấn đề quan trọng cần đặt ra là, các cơ quan thi hành pháp luật, cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước cần cần phải gương mẫu chấp hành pháp luật. Và, không chỉ các cán bộ, công chức mà tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên cũng phải tuân thủ pháp luật. Hiến pháp năm 2013 ghi rất rõ tại khoản 3, Điều 4: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Câu chuyện về việc bố mẹ là cán bộ, đảng viên “gỡ tội”, giải cứu cho các “cậu ấm, cô chiêu” khi đánh nhau, đua xe, phóng nhanh vượt ẩu, hoặc sa vào tệ nạn xã hội... bị các cơ quan pháp luật bắt giữ là hiện tượng không hiếm gặp. Con số mỗi năm có hàng ngàn cán bộ, đảng viên bị kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật về đảng, về chính quyền, nhiều trường hợp bị khởi tố điều tra, là minh chứng cho việc cần phải không ngừng nâng cao trình độ “quan trí”, tăng cường sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên. Qua đó, tạo sự lan tỏa trong việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật ngay trong từng cơ quan, đơn vị và trong từng gia đình cán bộ, đảng viên.
Nhân ngày “Pháp luật”, ngày 9/11 năm nay, xin có vài lời chia sẻ và suy ngẫm: Cho dù Pháp luật có quy định chặt chẽ, chế tài có nghiêm khắc như thế nào, nhưng từng chủ thể không tự giác chấp hành, đặc biệt đội ngũ cán bộ, đảng viên không nêu gương, thì Pháp luật vẫn chưa thể đóng vai trò thượng tôn trong đời sống chính trị - xã hội.
Sự phát triển của quốc gia, sự thịnh vượng của dân tộc, kỷ cương của xã hội phụ thuộc nhiều vào tinh thần thượng tôn pháp luật. Hãy để cho pháp luật làm đúng công việc của mình, vì “Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội”.
Nguồn: dangcongsan.vn