Pháp luật
Bất cập trong nhập và sử dụng xe trọng tải lớn
08:43, 06/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Xử lý nghiêm đối với xe quá khổ, quá tải là một trong những biện pháp quan trọng của Nhà nước, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, việc nhập khẩu xe có trọng tải lớn ở nước ta vẫn đang được cấp phép. Đây là bất cập đang diễn ra trong lĩnh vực vận tải cần có biện pháp giải quyết thấu đáo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Trong đó, hơn một nửa trong số này có đầu tư các xe trọng tải lớn từ 40 - 60 tấn. Một số đơn vị đầu tư, mua sắm chuyên chở xe công-ten-nơ. Theo Hiệp hội vận tải Nghệ An, đến thời điểm này, tất cả các đơn vị đang chấp hành nghiêm các quy định về trọng tải xe khi lưu thông trên các tuyến đường theo quy định của ngành Giao thông Vận tải.
Tuy nhiên, việc để cho các doanh nghiệp vận tải Nghệ An cũng như các doanh nghiệp vận tải cả nước được nhập khẩu xe trọng tải lớn mà không sử dụng hết công năng là gây lãng phí từ hai phía. Trước hết, lãng phí sự đầu tư ban đầu, sau làm tăng giá cước vận tải, đội giá thành sản phẩm và cuối cùng phải chịu thiệt thòi nhất là người tiêu dùng. Một khía cạnh khác, khi chuyên chở được ít thì tần suất xe tham gia giao thông lại tăng lên. Và hệ lụy từ vấn đề này đưa lại cũng không hề nhỏ.
Dòng xe có trọng tải lớn như thế này rất cần những cung đường phù hợp |
Đơn cử như tại Nghệ An, nhờ có nhiều biện pháp để phát triển doanh nghiệp nên đầu năm 2014, Công ty TNHH Hoa Thường đã đầu tư được hơn 20 xe đầu kéo chuyên dụng để chở xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng ở miền Trung. Mỗi xe đầu kéo nhập khẩu vào Việt Nam như thế này được tính cụ thể các tiêu chí kỹ thuật. Chẳng hạn, trong giấy đăng ký kỹ thuật và bảo vệ môi trường, xe nhập khẩu ghi rõ: Loại xe này chuyên dùng xi tẹc chứa xi măng và máy nén khí, trọng tải và trọng lượng kéo theo cho phép sự tham gia giao thông là hơn 64 tấn. Tuy nhiên, hiện nay, những xe của công ty như thế này đã không sử dụng hết công năng. Mỗi xe chỉ được chở không quá 30 tấn lưu thông trên các tuyến giao thông.
Lý giải bất cập, ông Nguyễn Thủ Thường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoa Thường cho biết: Thực chất mà nói, việc cấm tải trọng vượt quá mức cho phép là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, thiết nghĩ, các ban, ngành, bộ đã cho nhập khẩu xe có trọng tải lớn về. Ví dụ như xe đầu kéo của công ty chúng tôi được kéo theo 40 tấn, nhưng Nhà nước chỉ cho chở 30 tấn. Như vậy sẽ giảm mất 33% khối lượng hàng. Cùng với đó, người dân buộc phải đặt thêm 33% giá trị cước vận tải.
Cũng trong tình cảnh tương tự, trạm trộn Công ty TNHH VLXD Xây lắp dầu khí Nghệ An cũng có một số xe chuyên dụng nhập khẩu từ Trung Quốc. Phần vì bất động sản gặp nhiều khó khăn, phần vì cước vận tải tăng cao nên trạm trộn này lâu nay rất ít hoạt động. Theo đại diện Công ty thì việc xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải là đúng và cần thiết. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề vận tải theo quy chuẩn chung của khu vực và thế giới thì thực trạng quá tải hiện nay là do hệ thống giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải, chứ không phải là do sai kỹ thuật. Và việc cho nhập khẩu xe trọng tải lớn hiện nay là phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Điều này dẫn đến sự lãng phí tần suất đầu tư ban đầu.
Đề xuất định hướng giải quyết, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An, nêu ý kiến: Nên làm thế nào để Nhà nước cho các doanh nghiệp có xe trọng tải lớn phát huy hết công năng ban đầu khi nhập khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông cầu đường làm sao để kịp bắt nhịp với trọng tải xe, đảm bảo an toàn giao thông khi lưu thông.
Như vậy, với những gì đang diễn ra hiện nay có thể thấy, việc thực hiện chủ trương xử lý xe quá khổ, quá tải là cần thiết. Nhưng nên chăng, ở tầm vĩ mô, các bộ, ngành liên quan cần phải tính đến các giải pháp khác nhau như: Kiểm soát việc nhập khẩu xe trọng tải lớn ngay từ ban đầu, đảm bảo phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam. Hoặc là, nâng tải trọng của đường bộ, đáp ứng với nhu cầu vận tải và theo quy chuẩn quốc tế. Có như vậy mới tránh được tình trạng lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Thủy Chung