Pháp luật
Không để những án oan sai
08:28, 06/11/2014 (GMT+7)
Dù cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc điều tra, truy tố và xét xử, nhưng oan sai vẫn xảy ra, phần lớn ở giai đoạn điều tra. Việc cần làm ngay là nâng cao năng lực, trình độ và đặc biệt là cái tâm của những người tiến hành tố tụng.
Vụ án Lê Bá Mai hay còn gọi “kỳ án vườn mít” gây xôn xao dư luận, kéo dài 10 năm, với hàng chục phiên xét xử. Lê Bá Mai bị buộc tội giết cháu Thị Út tại vườn mít thuộc xã An Khương, huyện Bình Long năm 2004 (nay là huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Với nhiều phiên tòa, lúc Lê Bá Mai bị tuyên tử hình, lúc bị tuyên tù chung thân, lúc lại được trả tự do ngay tại tòa. Tại phiên xét xử phúc thẩm lần 3 ngày 30/8/2013, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã y án chung thân với Lê Bá Mai.
Với nhiều dấu hiệu bất trường, “kỳ án vườn mít” vừa được đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phản ánh tại diễn đàn Quốc hội nhân sự kiện thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Bị cáo Huỳnh Văn Nén tại phiên tòa - Ảnh tư liệu |
Khi “kỳ án vườn mít” được nêu trước Quốc hội, thì “kỳ án Huỳnh Văn Nén” xảy ra tại Bình Thuận bắt đầu lóe sáng bằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Liên quan đến cái chết của bà Lê Thị Bông, bị án Huỳnh Văn Nén đã phải ngồi tù 16 năm, bị kết án chung thân về ba tội: giết người, cướp tài sản và hủy hoại tài sản công dân.
Bản án phúc thẩm bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, đương nhiên cơ quan công tố đã chứng minh được quá trình điều tra, truy tố và xét xử “kỳ án Huỳnh Văn Nén” có nhiều thiếu sót, vi phạm pháp luật...
“Kỳ án Huỳnh Văn Nén” là một trong những “kỳ án” tốn nhiều giấy mực của giới báo chí với nhiều tình tiết ly kỳ. Đúng như báo chí bình luận, nếu Huỳnh Văn Nén được minh oan, có lẽ ông Nén là trường hợp hy hữu nhất trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam: Người cùng lúc bị kết án oan trong hai vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Bởi trước đó ông Nén từng bị kết án oan bảy năm tù trong “kỳ án vườn điều” cùng chín người thân bên gia đình vợ.
Từ những vụ án oan cho thấy, công tác điều tra, truy tố và xét xử đã không thực hiện theo quy định của pháp luật, không thực đúng nguyên tắc suy đoán vô tội, không lắng nghe ý kiến của luật sư, bị cáo, nhân chứng...
Nhiều vụ án oan sai bắt nguồn từ năng lực, trình độ của người tiến hành tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán).
Theo số liệu vừa được đại biểu Quốc hội công bố tại Quốc hội, năm 2014, ngành Công an đã khởi tố điều tra hơn 159.000 bị can, nhưng phải tạm đình chỉ điều tra hơn 3.200 bị can, đình chỉ điều tra 2.300, đặc biệt có 91 công dân bị oan sai, trong đó phải đình chỉ điều tra 60 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm, đã hết thời gian điều tra nhưng không chứng minh được hành vi cấu thành tội phạm. Ngành Toà án tuyên 21 bị cáo không phạm tội.
Nhìn vào những số liệu trên, chúng ta không thể yên tâm khi oan sai chủ yếu xảy ra ở giai đoạn điều tra. Muốn giảm oan sai ở giai đoạn điều tra thì phải bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, của bị can, bị cáo; chống việc ép cung, nhục hình; thực hiện đúng nguyên tắc suy đoán vô tội; v.v...
Nguồn: dangcongsan.vn