Pháp luật
Gia tăng tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật
07:48, 01/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong sự hoạt động phức tạp của các loại tội phạm hiện nay, có rất nhiều đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên. Thậm chí, có những vụ đánh nhau dẫn đến án mạng khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường khiến xã hội rất đau lòng. Chưa kể, một bộ phận học sinh, sinh viên (HS, SV) tụ tập bè phái, hình thành băng nhóm có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang bị các cơ quan chức năng điều tra, theo dõi.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, thời gian gần đây, tình trạng HS, SV vi phạm pháp luật đang có chiều hướng gia tăng, cần phải ngăn chặn kịp thời. Qua báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, có 1.541 học sinh vi phạm pháp luật, trong đó vi phạm an toàn giao thông là 1.267 em. Điều đáng nói là do đua đòi, ăn chơi lêu lổng nên đã có 14 em phạm tội trộm tài sản, 7 em phạm tội cố ý gây thương tích bị xử lý hình sự… Đặc biệt, có những vụ việc đánh bạn dẫn đến tử vong khiến dư luận không khỏi bất bình.
Cách đây không lâu, vào ngày 5/6/2014, tại xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương đã xảy ra vụ 2 nam học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Hưng mâu thuẫn đánh nhau khiến em Trần Văn Minh (SN 1999) bị thương nặng và tử vong ngay sau đó. Sự việc đau lòng xảy ra chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày giữa Nguyễn Hữu Cường (SN 1999) và bạn học cùng khóa là Trần Văn Minh. Còn vụ việc đối tượng Nguyễn Văn Tùng (từng là học sinh lớp 11, Trường THPT Lê Hồng Phong) trú tại xóm 1B, xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên bị TAND tỉnh tuyên phạt 7 năm tù giam vì tội giết người vào ngày 16/6/2014 là bài học đau lòng không chỉ đối với các bậc phụ huynh mà cả các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Nguyên nhân cũng chỉ vì lối sống sa đọa, thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình đã khiến Tùng có những hành vi lệch chuẩn với đạo đức xã hội.
Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh trên địa bàn TP Vinh |
Thời gian qua, còn rất nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Nhiều vụ việc nữ sinh tham gia đánh hội đồng, lột quần áo bạn cùng giới rồi quay clip tung lên mạng. Thậm chí có cả những vụ việc học sinh nam đánh học sinh nữ ngay trong lớp học, dẫn đến thương tích khiến cộng đồng xã hội vô cùng bức xúc. Tình trạng bạo lực học đường đang gióng lên hồi chuông báo động. Theo điều tra của các chuyên gia xã hội học, có tới 80% số vụ mâu thuẫn, các em học sinh đã dùng bạo lực như: Hung khí, tổ chức đánh hội đồng, xúc phạm nhân phẩm người khác… mà không giải quyết bằng hòa giải. Hệ quả để lại đằng sau những vụ việc là chuỗi tác động cả về tâm lý lẫn tinh thần, thể xác trong công tác giáo dục trong nhà trường, xã hội rất lớn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong HS, SV đang có nguy cơ gia tăng hiện nay như: Môi trường sống dẫn đến tác động của nhận thức ở lứa tuổi vị thành niên, quan hệ xã hội, sự lơ là trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục của gia đình… Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, lứa tuổi mới lớn rất dễ bị lôi cuốn vào các trang mạng xã hội, website thiếu lành mạnh, những trò chơi game đầy bạo lực cũng ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của các em học sinh. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế hội nhập, HS, SV hiện nay đang thiếu những sân chơi bổ ích, thân thiện, dẫn đến thiếu tính tương thân, tương ái.
Thời gian qua, cùng với công tác chống bạo lực học đường, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn như tổ chức ký cam kết, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường. Tuy nhiên, để giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong học đường một cách hiệu quả, trước mắt cần xử lý nghiêm những học sinh vi phạm pháp luật để răn đe các học sinh khác. Mặt khác, cần siết chặt quản lý giờ giấc sinh hoạt, ngăn chặn tình trạng các em tiếp xúc với những trò giải trí đầy tính bạo lực, phản văn hóa.
Hơn bao giờ hết, công tác kết hợp, mối liên hệ chặt chẽ tạo thế chân kiềng giữa gia đình - nhà trường - xã hội cần phải phát huy hơn nữa. Và, cách để hướng các em đến với một môi trường sống thân thiện là cần dạy dỗ, giáo dục ngay từ “thuở còn thơ”, khi mà thế hệ măng non chưa hình thành được nhận thức xã hội về cuộc sống sau này.
Ngọc Thái