Pháp luật
Xã hội hóa cai nghiện ma túy bằng methadone
09:13, 24/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Sau 3 năm Nghệ An triển khai thực hiện chương trình cai nghiện cho người nghiện ma túy bằng phương pháp điều trị methadone đã thu lại những kết quả tích cực cho bản thân, gia đình người nghiện, góp phần giữ gìn trật tự xã hội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cai nghiện bằng methadone vẫn còn nhiều khó khăn cần được các cấp chính quyền, ban, ngành và xã hội quan tâm đúng mực.
“Giải pháp vàng” cho người nghiện
Đều đặn vào các ngày trong tuần, anh T.V.N. ở huyện Quỳ Hợp bắt xe xuống TP Vinh từ rất sớm, đến Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS để uống methadone rồi tranh thủ về nhà giúp vợ buôn bán. Đã hơn hai năm nay, kể từ khi điều trị cai nghiện bằng methadone, anh N. đã gần như đoạn tuyệt với ma túy. Bản thân anh khỏe mạnh, tăng cân, ngoài ra anh và vợ còn mạnh dạn kinh doanh cửa hàng ăn uống. “Tôi tưởng mình không thể sống được nữa, 5 năm chìm đắm trong ma túy, vào trại cai nghiện đến 3 lần nhưng đều thất bại, cứ nghĩ mình sẽ không bao giờ thoát được khỏi ma túy. Nhưng sau khi biết Nghệ An thực hiện chương trình điều trị bằng methadone, tôi đã đăng ký điều trị. Từ đó đến nay, tôi không bao giờ lên cơn thèm thuốc nữa. Nhờ có nó mà tôi như được sống lại, gia đình yên ấm, đoàn tụ bên nhau”, anh N. tâm sự.
Không chỉ riêng anh N. mà đó là tâm trạng chung của những người đang cai nghiện bằng methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Methadone là một chất gây nghiện hợp pháp dùng để thay thế các loại ma túy dạng thuốc phiện như hêrôin. Tuy nhiên, methadone có ưu điểm là không phải tiêm chích, không tăng liều, có tác dụng trong vòng 24 giờ nên chỉ dùng một lần trong ngày. Đây được gọi là phương pháp điều trị thay thế giúp người nghiện từ bỏ dần với ma túy.
Bệnh nhân đến điều trị cai nghiện bằng methadone tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS |
Nghệ An là tỉnh phức tạp về ma túy, theo số liệu cuối năm 2013, toàn tỉnh có 6.738 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, trong khi đó số người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng. Từ tháng 9/2012, Nghệ An triển khai chương trình điều trị cai nghiện bằng methadone thí điểm tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai 3 cơ sở điều trị methadone ở TP Vinh, 2 huyện Quế Phong, Quỳ Châu và có 16/21 huyện có người nghiện được tham gia điều trị bằng thuốc methadone tại các cơ sở.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/9/2014, toàn tỉnh có 576 bệnh nhân đăng ký điều trị, trong đó 499 bệnh nhân đã được điều trị và 370 bệnh nhân đang điều trị tại 3 cơ sở. Bác sĩ Luyện Văn Trịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Qua theo dõi các bệnh nhân điều trị tại trung tâm, có 98% bệnh nhân thực hiện tốt phác đồ điều trị, hơn 80% bệnh nhân sau khi điều trị đã không còn sử dụng hêrôin, 20% bệnh nhân vẫn còn sử dụng ma túy nhưng ít hơn và hình thức sử dụng là hút chứ không nguy hiểm như tiêm, chích.
Tại hội nghị Triển khai điều trị methadone cho người nghiện ma túy giai đoạn 2014 - 2020 của Sở Y tế vào ngày 17/9 cũng đã khẳng định, điều trị methadone mang lại hiệu quả rất cao. Hầu hết người nghiện tham gia điều trị bằng chất thay thế methadone đều bỏ hẳn ma túy và tinh thần được cải thiện. Đặc biệt, chương trình methadone đã giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng tội phạm liên quan đến ma túy, góp phần ổn định an ninh trật tự.
Vẫn còn nhiều bất cập
Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 3 cơ sở điều trị methadone, cơ sở điều trị ở 2 huyện Quế Phong và Quỳ Châu cũng mới đi vào hoạt động cách đây một vài tháng dẫn đến những khó khăn cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân ở xa. Nhiều bệnh nhân nhà ở xa, đi lại khó khăn nên sau một thời gian điều trị bằng methadone, khi đã không còn lên cơn thèm thuốc đã từ bỏ giữa chừng. Trong khi đó, điều trị methadone là một quá trình lâu dài, để thành công cần phải có phác đồ điều trị phù hợp với người bệnh, người bệnh phải hợp tác, kiên trì và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của thầy thuốc.
Người nhà bệnh nhân cũng như chính quyền địa phương, cộng đồng phải quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh chữa trị. Điều trị methadone là phương pháp cai nghiện hiệu quả mà chi phí thấp. Hiện nay, toàn bộ chi phí cho chương trình do dự án Pepfar tài trợ hoàn toàn, tuy nhiên nguồn kinh phí này đang bị cắt giảm gây ảnh hưởng lớn đến việc thành lập các cơ sở điều trị methadone. Hội nghị Triển khai điều trị methadone cho người nghiện ma túy giai đoạn 2014 - 2020 đã dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 12 cơ sở điều trị methadone với 3.400 bệnh nhân tham gia điều trị, tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 3 cơ sở hoạt động.
Methadone là loại thuốc tổng hợp thuộc nhóm có á phiện. Không giống như heroin, methadone không đem lại cảm giác “phê” cho người xử dụng. Tuy vậy những tác dụng của methadone trong cơ thể cũng giống heroin rất nhiều:
- Giảm đau
- Cảm giác thoải mái
- Giảm áp huyết
- Làm nhịp tim chậm lại
- Giảm thân nhiệt
|
Một trong những khó khăn trong quá trình điều trị methadone đó là sự thiếu thốn về nhân lực. Hiện nay, cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn vẫn chưa nhiều, trong khi đây là công việc nhiều áp lực và nguy hiểm. Đội ngũ nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân là những đối tượng mắc các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan… nên nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, cán bộ y tế lại không được hưởng bất cứ phụ cấp nào. Ngoài ra, do không được tuyên truyền sâu rộng nên nhận thức của người dân về điều trị methadone vẫn còn hạn chế và sai lệch.
Để chương trình điều trị cai nghiện bằng methadone được hiệu quả, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần tích cực vào cuộc, tạo điều kiện cho người nghiện được tham gia điều trị, tái hòa nhập cộng đồng; huy động sự hỗ trợ, nguồn lực, sớm tiến hành xã hội hóa chương trình điều trị methadone để duy trì những kết quả cũng như đảm bảo tính bền vững mà chương trình mang lại.
Huyền Thương