Pháp luật

Mạo danh 'Đại tá quân đội' để lừa đảo

07:57, 24/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Vừa qua, Báo Công an Nghệ An có bài viết 2 kỳ với tựa đề “Khốn đốn vì tin lời cán bộ chạy việc”, phản ánh việc nhiều người dân bị 2 kẻ mạo danh cán bộ Nhà nước, có nhiều mối quan hệ lớn tiến hành hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng rồi bỏ trốn. Mới đây, Tòa soạn Báo Công an Nghệ An lại tiếp tục nhận được đơn phản ánh của công dân về một đối tượng tự xưng là “Đại tá quân đội” về hưu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, cũng dưới hình thức “chạy việc”.
 
Theo đơn phản ánh của chị Dương Thị H., trú tại huyện Anh Sơn, vào khoảng tháng 4/2013, qua các mối quan hệ, chị H. quen ông Trần Văn Tịnh (SN 1959) quê quán tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành. Ông Tịnh giới thiệu mình là “Đại tá quân đội” đã nghỉ hưu, từng công tác tại Trường sĩ quan Lục quân I, hiện có nhiều mối quan hệ lớn, có thể xin được việc làm ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau khi trình bày chuyên ngành đã tốt nghiệp đại học và nguyện vọng có được việc làm đúng lĩnh vực đào tạo, chị H. được ông Tịnh tư vấn “chạy” vào giảng dạy môn Chính trị tại Trường Cao đẳng nghề số 4, Bộ Quốc phòng (đóng tại đường Hoàng Phan Thái, xã Nghi Phú, TP Vinh - P.V).
 
Với phong thái mang dáng vẻ trí thức, cộng thêm tài ăn nói khéo léo, ông Tịnh đã khiến chị H. tin rằng, có thể nhờ cậy xin việc làm. Để tạo niềm tin cho chị H., ông Tịnh đã nhiều lần đưa chị vào tham quan Trường Cao đẳng nghề số 4, gặp gỡ một số cán bộ lãnh đạo ở ngôi trường này và nói rằng, họ là học sinh cũ của ông ta ở Trường sĩ quan Lục quân I. Do vậy, chị H. và gia đình đã không mảy may nghi ngờ “khả năng” của ông Tịnh nên chạy vạy khắp nơi vay tiền giao cho ông ta “chạy việc”, tổng số tiền “đặt cọc” là 75 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi trao “tiền cọc” nhiều tháng nhưng vẫn không có việc làm, chị H. liên lạc với ông Tịnh thì chỉ nhận được lời hứa suông từ tháng này qua tháng khác. Cuối cùng, thấy sự việc không mấy khả quan, chị H. xin được nhận lại số tiền đã “đặt cọc” thì ông Tịnh trù trừ, xin khất lần này đến lần khác, không chịu trả.
 
Đơn tố cáo ông Trần Văn Tịnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đơn tố cáo ông Trần Văn Tịnh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
 
Trao đổi với phóng viên, chị H. cho biết: Thời gian trước, khi chưa có ý định đòi lại tiền “đặt cọc”, nếu tôi hẹn gặp ông Tịnh thì bao giờ ông ấy cũng sẵn sàng gặp mặt. Thế nhưng, từ khi đặt vấn đề xin lại số “tiền cọc” thì liên hệ với ông ta khó khăn hơn. Nhiều lần tôi gọi điện cho ông Tịnh, chuông điện thoại vẫn đổ nhưng ông ta không bốc máy và cũng không gọi lại. Với gia đình tôi, số tiền đã “đặt cọc” cho ông Tịnh là không hề nhỏ, đó là khoản nợ mà bố mẹ tôi đang ngày ngày còng lưng để trả lãi suất. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trần Văn Tịnh, buộc ông ấy phải trả lại số tiền đã nhận của chúng tôi.
 
Cùng thời điểm chị H. phản ánh sự việc thì Tòa soạn Báo Công an Nghệ An còn nhận được đơn của ông Trương Đình Hoàng (SN 1953) trú tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tố cáo ông Trần Văn Tịnh có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền trên 150 triệu đồng. Theo đơn trình bày của ông Hoàng, cũng từ mối quan hệ quen biết, ông Tịnh nhận “chạy việc” cho người nhà ông Hoàng vào ngành giáo dục trong tỉnh và làm công nhân điện ở Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh). Tuy nhiên, cũng giống như trường hợp của chị H., ông Tịnh cầm “tiền cọc” của gia đình ông Hoàng nhưng không thực hiện lời hứa và cũng không trả lại tiền như đã cam kết ban đầu.
 
Qua tìm hiểu, xác minh lai lịch tại Công an xã Phúc Thành cho thấy, ông Trần Văn Tịnh có nguyên quán tại xóm 5 (xóm Phương Tô), xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, hiện mẹ ruột đang sinh sống tại đây. Ông Tịnh cũng có một người vợ đang sinh sống ở xóm 10 (xóm Nam Sơn), xã Phúc Thành nhưng đã ly hôn. Theo thông tin từ cơ quan Công an cung cấp, ông Tịnh không phải là “Đại tá quân đội” đã nghỉ hưu như ông ta vẫn  thường khoác lác. Trước đây, ông Tịnh đã có thời gian khá dài định cư tại nước ngoài (Ba Lan). Khoảng năm 2005, ông ta trở về nước và thành lập công ty riêng tại Hà Nội, nhưng sau đó làm ăn thua lỗ.
 
Thông qua các số điện thoại của ông Tịnh do các bị hại cung cấp, phóng viên đã nhiều lần liên lạc để hẹn lịch làm việc. Có 2 lần ông Tịnh cầm máy và hứa sẽ gặp gỡ phóng viên để trao đổi thông tin, nhưng sau đó thì không liên lạc được nữa (điện thoại vẫn đổ chuông nhưng không có ai bốc máy - P.V).
 
Từ một số vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Báo Công an Nghệ An phản ánh trong thời gian qua, đã trở thành bài học đắt giá cho tất cả những ai đang có ý định nhờ vả “chạy việc”. Hiện tại, nhiều gia đình đang trở nên khốn đốn hơn bao giờ hết, vì trót tin lời của những kẻ bất lương.
 

Đức Thắng

Các tin khác