Pháp luật
Cấp bìa đỏ chồng lấn hành lang an toàn lưới điện: Ai chịu trách nhiệm?
08:59, 25/09/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đã nhiều năm nay, 160 hộ dân của 2 xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu vẫn bất chấp nguy hiểm, an toàn tính mạng của cả gia đình để làm nhà ngay dưới hành lang an toàn lưới điện. Điều đáng nói ở đây là những hộ dân này lại được chính quyền địa phương cấp bìa đỏ chồng lấn lên đất dành cho hành lang an toàn lưới điện.
Chỉ trong vòng 15 ngày mà gia đình chị Trần Thị Liên trú tại xóm 9, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu đã bị sự cố chập điện đến 2 lần. Lần đầu sự việc diễn ra vào buổi trưa ngày 12/6/2014 và lặp lại ở mức độ nguy hiểm hơn vào 5 giờ ngày 27/6/2014. Hiện nay, đường dây điện cao áp đang sà thấp xuống, thậm chí nằm sát ngay mái tôn nhà chị Liên.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường, nhìn những hình ảnh đó, hẳn ai cũng phải hoảng sợ, nhất là mỗi khi mưa gió về. Kể lại sự việc với phóng viên, chị Liên còn hoảng hốt, sợ hãi như vừa mới diễn ra: “Bỗng nhiên thấy một ánh chớp từ trong buồng phát ra, cả nhà tôi không hiểu nguyên nhân tại sao trong nhà mình lại phát sáng. Khi đó vợ chồng, con cái nhốn nháo chạy ra ngoài, quăng hết tài sản chỉ lo chạy thoát thân”.
Bất chấp nguy hiểm, những căn nhà mới như thế này vẫn mọc lên |
Không chỉ gia đình chị Liên mà hiện nay trên địa bàn xóm 8, xóm 9, xã Quỳnh Thạch có tới 129 hộ xây dựng nhà ở ngay dưới hành lang an toàn lưới điện đường dây trung áp 10 KV. Trong đó có 54 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, đường điện chạy ngay trên nhà với khoảng cách từ 0,5 - 1 m. Thậm chí có những gia đình không dám mở cửa tầng 2 vì dây điện nằm sát ngay hành lang, chỉ cách từ 20 - 30 cm. Với khoảng cách quá gần này, liệu ai dám chắc sẽ không đe dọa đến tính mạng của người dân?
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đình Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cũng thừa nhận cái sai thuộc về chính quyền địa phương, bởi các hộ dân này được cấp bìa đỏ sau khi đã có đường điện. “Đường điện này được xây dựng từ năm 1991, 1992, còn đất được Nhà nước cấp bìa năm 1993, 1994. Số liệu đất mốc địa giới hành lang an toàn giao thông trước là 13,5 m, còn sau này theo quy định mới là 27 m nên các hộ dân bắt buộc làm nhà sau khi có đường điện”.
Tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu hiện cũng có 31 hộ dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện đường dây trung áp 10 KV ở các xóm 6, 7 và 8. Điều đáng nói ở đây là, mặc dù biết nguy hiểm luôn rình rập nhưng các hộ dân vẫn bất chấp để xây dựng nhà dưới hành lang an toàn lưới điện. Ông Lê Đôn Thược, một trong những hộ dân vi phạm xây nhà dưới hành lang an toàn lưới điện ở xóm 7, xã Quỳnh Văn phân trần: “Phía trước nhà là hành lang giao thông, trên đầu là đường điện cao áp. Dân không có chỗ ở nên phải xây các công trình kiên cố dưới đường điện. Biết là nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng nhưng cũng phải xây”.
Để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện, tùy vào từng mốc thời điểm cụ thể, Chính phủ đã có nhiều nghị định như Nghị định số 54, Nghị định số 70, Nghị định 106, Nghị định 81 và mới đây nhất là Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về an toàn lưới điện. Theo Nghị định này, khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện đường dây cao áp từ 10 KV đến 22 KV là 4 m và khoảng cách giữa đường dây điện với cây cối là 3 m nếu đó là dây trần. Nếu vi phạm khoảng cách này thì có thể dẫn tới những sự cố như phóng điện, chập điện.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp trước mắt mà Ngành đã thực hiện trong thời gian qua nhằm hạn chế tình trạng này, ông Nguyễn Phúc Quý, Giám đốc Chi nhánh Điện lực Quỳnh Lưu cho biết thêm: “Ngành điện đã kịp thời thông báo, cảnh báo các hộ xây nhà và đề nghị họ tháo dỡ các phần vi phạm. Một mặt cũng báo cáo chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện và Công ty Điện lực Nghệ An để có giải pháp tháo gỡ”.
Theo tìm hiểu thì đường điện trung áp 10 KV tại 2 xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Văn được xây dựng từ năm 1991 và 1992, trong khi bìa đỏ của các hộ dân này lại được cấp vào thời điểm sau, khoảng những năm 1993 đến năm 1999. Do đó, cái sai trước hết phải thuộc về chính quyền địa phương thời điểm đó, bởi không kiểm tra, khảo sát dẫn đến cấp bìa chồng lấn lên đất dành cho hành lang an toàn lưới điện.
Nhưng cái sai đó lại được tiếp nối bằng cái sai khác, khi mà đã nhiều năm nay, chính quyền 2 xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Văn biết tình trạng này nhưng vẫn không có biện pháp ngăn chặn, thậm chí cố tình làm lơ khi các hộ dân tiếp tục vi phạm xây dựng nhà ngay dưới hành lang an toàn lưới điện. Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu thừa nhận: “Đây là một tồn tại thuộc về trách nhiệm của 2 xã do chưa thực hiện đúng quy định về hành lang an toàn lưới điện quốc gia. UBND huyện đã chỉ đạo 2 xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Văn cùng Phòng Công thương kiểm tra, rà soát lại các hộ dân. Những hộ nằm ở vị trí nguy hiểm trực tiếp từ đường dây cần phải có phương án khắc phục”.
Bất chấp tính mạng gia đình đang bị đe dọa, nguy hiểm vẫn luôn thường trực, những căn nhà mới vẫn mọc lên hàng ngày, hàng giờ ở 2 xã Quỳnh Thạch và Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Và cho đến nay, các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Bởi vướng mắc lớn nhất lúc này chính là vấn đề xác định sai thuộc về ai để có trách nhiệm và phương án giải quyết khả thi. Trong khi chờ câu trả lời thì 160 hộ dân ở 2 xã này vẫn đang phải sống trong thấp thỏm, lo âu, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Lê Nhung