Pháp luật
Tình trạng chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng
(Congannghean.vn)-Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, từ năm 1998 đến nay, đã có gần 90 CBCS cảnh sát hy sinh, trên 1.000 cảnh sát bị thương, bị phơi nhiễm HIV khi làm nhiệm vụ. Cho thấy tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp cả về số vụ việc lẫn tính chất vi phạm.
Tại Nghệ An, thời gian gần đây, tình trạng chống người thi hành nhiệm vụ lại có xu hướng gia tăng. Hình thức chống đối của các loại đối tượng rất đa dạng như có lời nói lăng mạ, xúc phạm danh dự, hành hung cán bộ… một cách công khai, trắng trợn. Nhiều đối tượng côn đồ sử dụng các loại hung khí, vũ khí “nóng” để chống đối.
Thậm chí có những kẻ điên cuồng, coi thường pháp luật, sẵn sàng sử dụng các loại phương tiện vi phạm như môtô, ôtô… để tấn công lực lượng Công an. Từ đó cho thấy, các đối tượng chống người thi hành công vụ ngày càng táo tợn, liều lĩnh và tính chất vi phạm càng nghiêm trọng hơn.
Mới đây nhất, ngày 8/7, Công an huyện Thanh Chương đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can gồm: Nguyễn Văn Tuấn (SN 1993), Võ Văn Lộc (SN 1992), Võ Như Ý (SN 1994), Nguyễn Trọng Tú (SN 1993), Lê Cảnh Hợp (SN 1992), Võ Công Thành (SN 1994), Nguyễn Cảnh Tuấn (SN 1996) đều trú tại xóm 10, xã Ngọc Sơn, Thanh Chương về hành vi “Chống người thi hành công vụ”. Trước đó, khoảng 21 giờ 30 phút ngày 7/7, các đối tượng này vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi chở 3 - 4 người trên 1 xe máy, không đội mũ bảo hiểm.
Nhóm đối tượng chống người thi hành công vụ bị Công an huyện Thanh Chương bắt giữ |
Khi tổ tuần tra kiểm soát đảm bảo TTATGT Công an huyện Thanh Chương gồm Trung úy Đậu Hoàng Song, cán bộ Đội CSGT cùng đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên thực tập đang làm nhiệm vụ trên QL46 thuộc xóm 10, xã Ngọc Sơn ra tín hiệu yêu cầu các đối tượng dừng xe kiểm tra thì nhóm đối tượng này ngang nhiên chống đối, dùng gậy tấn công lực lượng CSGT.
Trong đó, Trung úy Đậu Hoàng Song bị đối tượng Lê Cảnh Hợp đánh bị thương vào lưng. Thấy tình hình phức tạp, anh cùng sinh viên Tuấn chạy vào 1 chiếc xe taxi rồi gọi điện báo cáo lãnh đạo đơn vị tăng cường lực lượng hỗ trợ thì chúng còn hung hăng chặn đầu xe, đập phá cửa xe, đe dọa lái xe taxi mở cửa để tiếp tục đánh Trung úy Đậu Hoàng Song và sinh viên Nguyễn Anh Tuấn.
Hay như vụ việc xảy ra vào ngày 2/7, đối tượng Trịnh Xuân Trung (SN 1985) trú tại khối Tân Phong, phường Lê Mao, TP Vinh do mâu thuẫn với vợ đã đập phá nhà cửa. Khi Công an phường Lê Mao và Cảnh sát 113 đến giải quyết thì đối tượng dùng dao đe dọa, tấn công lại lực lượng chức năng. Tuy nhiên, đối tượng đã bị Cảnh sát 113 khống chế, bắt giữ và áp giải về trụ sở Công an phường Lê Mao lập biên bản về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.
Những vụ việc xảy ra trong thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng một bộ phận người dân coi thường pháp luật, tạo nên dư luận xấu trong xã hội. Vậy tình trạng chống đối lại lực lượng tuần tra kiểm soát xuất phát từ nguyên nhân nào? Bên cạnh việc một số người dân do nhận thức chưa đầy đủ các quy định của pháp luật nên đã có những hành vi vi phạm, thì một bộ phận mặc dù nắm rõ các quy định pháp luật nhưng vẫn cố tình coi thường, bất chấp, không tuân thủ.
Đặc biệt, có nhiều đối tượng thích tạo sự chú ý của mọi người xung quanh, thể hiện máu “anh hùng” nên cố tình vi phạm để lực lượng tuần tra truy đuổi hoặc chống đối lại lực lượng Công an khi bị bắt giữ… Đáng chú ý là các đối tượng chống lại lực lượng thi hành công vụ tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đối với lứa tuổi này, các đối tượng dễ bốc đồng, không làm chủ được cảm xúc, hành vi, dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực khách quan, không ý thức hết hậu quả, tác hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra nên hành vi chống người thi hành công vụ diễn ra phổ biến.
Bên cạnh đó, do chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ chưa đủ sức răn đe, xử lý nghiêm khắc. Công tác giáo dục nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật cho người dân chưa thực sự hiệu quả. Mặt khác, do tác động bởi những luồng tư tưởng, văn hoá ngoại lai ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhận thức, nhân cách của một bộ phận nhân dân.
Chính vì vậy, trước thực trạng này, các ngành chức năng cần quy định chế tài xử lý mạnh tay hơn nữa đối với những đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ các quy định của pháp luật. Đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự kiên quyết, mưu trí, dũng cảm của CBCS Công an trong khi làm nhiệm vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và phòng ngừa hành vi chống chống người thi hành công vụ.
Hằng Nga