Pháp luật
Sửa đổi Bộ luật hình sự: Thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình
Thực tiễn nước ta những năm qua cho thấy, mỗi năm số lượng người bị kết án tử hình và đưa ra thi hành án vẫn còn cao. Hơn nữa, tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người và như vậy đã tước bỏ cơ hội phục thiện, tái hoà nhập cộng đồng của người bị kết án cũng như loại trừ khả năng khắc phục oan sai có thể xảy ra trên thực tế.
Theo số liệu của Tổ chức ân xá quốc tế thì cho đến năm 2013, trên toàn thế giới có 97 quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn án tử hình, 8 quốc gia chỉ áp dụng đối với tội phạm chống hòa bình, 35 quốc gia có quy định về hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật nhưng không áp dụng trên thực tế. Với Liên minh Châu Âu thì hình phạt tử hình đã được bãi bỏ hoàn toàn. Đối với các nước Đông Nam Á thì hình phạt tử hình đã được bãi bỏ tại Campuchia (năm 1993); Đông Timor (năm 1999), Philippines (năm 2006). Các nước quy định hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt và áp dụng nhưng không thi hành bao gồm Brunei, Myanmar, Lào, Thái Lan, Malaysia....
Tại Phiên họp lần thứ 4 Ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, đại diện Tổ biên tập cho biết: Chủ trương từng bước hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm được thể hiện trong thực tiễn xây dựng pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1985 đến nay. Chủ trương này cũng được khẳng định trong Nghị quyết số 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Để tiếp tục thể chế hoá chủ trương của Đảng về hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, Tổ biên tập Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất hai phương án loại bỏ hình phạt tử hình với các tội phạm cụ thể như sau:
Tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. (Nguồn: Báo CAND) |
Phương án 1: Bỏ hình phạt tử hình đối với 04 tội sau: Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma tuý (Điều 194 BLHS); Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231 BLHS); Tội chống mệnh lệnh (Điều 316 BLHS); Tội đầu hàng địch (Điều 322 BLHS).
Phương án 2: Bổ sung thêm 3 tội danh ngoài 4 tội kể trên gồm: Tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112 BLHS); Tội cướp tài sản (Điều 133 BLHS); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157 BLHS).
Đối với các tội đề xuất bỏ án tử hình thì hình phạt thay thế là tù chung thân.
Về phương diện pháp luật tố tụng và thi hành án, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện quy định về Chủ tịch nước ân giảm án tử hình thì cần bổ sung chế định về hoãn thi hành án tử hình, theo đó, tùy từng trường hợp cụ thể Tòa án có thể xem xét quyết định cho hoãn thi hành án tử hình trong một thời gian nhất định (1 hoặc 2 năm). Trong khoảng thời gian này, nếu người bị kết án (thường là các tội phạm về kinh tế, tham nhũng...) khắc phục phần lớn hậu quả thiệt hại đã gây ra, thái độ cải tạo tốt thì có thể được xem xét chuyển án tử hình.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, xu hướng chung hiện nay là ngày càng giảm bớt án tử hình. Ông Việt đề xuất 5 tội có thể bỏ án tử hình là: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch .
Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương cho hay: Quốc tế nói Việt Nam dùng hình phạt tử hình nhiều quá và họ rất quan tâm hàng năm Việt Nam xử bao nhiêu hình phạt tử hình. “Cần cân nhắc giảm số lượng tử hình hàng năm”, ông Phương đề xuất.
Để thực hiện tính nhân văn, và phù hợp với xu thế chung của thế giới, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị: Giảm hình phạt tử hình trên 2 nội dung: giảm tội không cần thiết và giảm khung hình phạt tử hình đối với một số tội. Dẫn chứng: “Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy“, ông Khánh cho rằng thời gian qua đã tuyên án tử hình không ít đối với những đối tượng vận chuyển là người lao động, dân tộc...trong khi bản thân những người này hiểu biết hạn chế, chỉ làm theo sự chỉ đạo, vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, trong trường hợp này, chỉ nên kết án tử hình đối với trường hợp vận chuyển có tổ chức, tinh vi, quy mô lớn. Theo đó, nên chăng có án chung thân nhưng không xét ân giảm đối với trường hợp cần thiết để bảo đảm tính phòng ngừa.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm cũng cho rằng: Không nên chỉ giảm tội mà chú ý phân hóa kết hợp với giảm khung.
Có thể thấy, việc bỏ hình phạt tử hình nói chung và đối với một số tội phạm cụ thể nói riêng là một vấn đề hết sức hệ trọng mang tính chính trị - pháp lý sâu sắc. Hiến pháp năm 2013 xem việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người như một mục tiêu hàng đầu, do đó, việc thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là đòi hỏi cấp thiết của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự gắn với việc bảo đảm các quyền con người, nhân đạo hoá các biện pháp trừng trị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đạo lý của dân tộc, phù hợp yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nguồn: dangcongsan.vn