Chỉ còn 15% sức khỏe mà vẫn liên tiếp gây án?
Đối tượng sinh ra trong một gia đình ở Quận 8, TP.HCM. Ngay từ nhỏ, Lại Thành Sang (SN 1981) đã là một ông “vua con” trong gia đình, không lo học hành, vướng vào con đường nghiện hút ma túy.
Có giấy chứng nhân “bệnh AIDS giai đoạn cuối” đã 7 năm, nhưng bị cáo Sang vẫn rất khỏe mạnh bình thường, lại gây thêm án giết người. |
Khi hết tiền, Sang lang thang trộm cắp, cướp giật tài sản và bị TAND huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương xử 42 tháng tù giam. Sau đó mấy tháng, Sang tiếp tục bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 9 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Chưa đầy 3 năm sau, Sang nhận thêm mức án 7 năm tù về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Khi đang thụ án 3 bản án đó tại một trại giam ở tỉnh Bình Thuận thì vào ngày 29/6/2007, phạm nhân này bất ngờ được TAND tỉnh Bình Thuận ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, với lý do “bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, có mức tổn hại sức khỏe là 85%”. Cơ quan chức năng địa phương cho rằng quyết định này thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật đối với một người lầm lỗi ở giai đoạn “gần đất xa trời”.
Tuy nhiên không hiểu sao chỉ còn 15% sức khỏe mà khi được tạm đình chỉ thi hành án, phạm nhân này lại bỗng dưng khỏe mạnh bình thường, vẫn tiếp tục rủ rê lôi kéo bạn bè hút chích ma túy. Nguy hiểm hơn, khi thiếu tiền, Sang tiếp tục gây án.
Ngày 20/11/2011, Sang đọc mục quảng cáo trên một tờ báo và biết một người đàn ông sinh năm 1960 ở Quận 6 chuyên mua vô tuyến cũ. Hết tiền hút chích, ngày 21/11 Sang điện thoại cho anh này đến nhà thu mua chiếc vô tuyến. Tuy nhiên khi người mua đến thì bố mẹ đang ở nhà, Sang không dám bán mà hẹn hôm sau tới.
Sáng 22/11, Sang điện thoại cho người mua đến nhà mình. Hai bên thỏa thuận chiếc vô tuyến cũ giá 600.000 đồng, người mua đã đưa đủ tiền, nhưng Sang lật lọng nói mới đưa 400.000 đồng, đòi đưa thêm 200.000 đồng nữa. Bực tức, người thu mua vô tuyến đòi trả lại tiền, nhưng Sang không chịu, mà tiếp tục đòi thêm tiền. Cùng lúc này người thu mua có một khách hàng khác điện thoại. Tưởng nạn nhân gọi điện báo công an đến giải quyết, Sang chạy vào bếp lấy cây búa chạy ra đe dọa, yêu cầu phải đưa thêm tiền.
Không được chấp nhận, Sang lao vào dùng búa đánh liên tiếp vào mặt nạn nhân. Nạn nhân chống đỡ, bỏ chạy, nhưng không thoát được những nhát búa như trời giáng. Sang chạy theo đánh liên tiếp nhiều nhát nữa vào vùng đầu, mặt cho tới lúc nạn nhân gục hẳn. Xong việc, hung thủ lấy khăn, lật ngửa nạn nhân lau vết máu trên mặt. Sát thủ còn chạy vào buồng lấy chăn lau sàn nhà rồi đi tắm, thay quần áo. Vừa hành động xong, phát hiện bố mẹ đi công chuyện về, Sang vội lôi xác nạn nhân qua một bên, lục lấy 5 triệu đồng và 1 chiếc nhẫn vàng rồi khóa cửa, trèo tường bắt xe ôm chạy trốn.
Sau gần hai năm lang thang trốn lệnh truy nã, đến tháng 6/2013, khi đang lang thang nghiện ngập, Sang bị bắt vào trường giáo dưỡng, rồi bị bắt theo lệnh truy nã.
Phiên tòa bất ngờ tử tù khai thêm đồng phạm
Tại cơ quan điều tra, bị cáo Sang đã khai rõ ràng chi tiết từng hành vi cụ thể giết người, cướp tài sản vào năm 2011. Tại phiên tòa sơ thẩm cuối tháng 4/2014 vừa qua, bị cáo đã thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình, thừa nhận tất cả lời khai tại cơ quan điều tra đều là tự nguyện, không có ai bức cung, nhục hình.
Bị cáo cũng tỏ ra ăn năn, thành khẩn xin lỗi gia đình nạn nhân vì đã gây ra cái chết cho nạn nhân và “bị cáo chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo một con đường sống”. Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ phạm tội của Sang là quá tàn bạo, không còn khả năng giáo dục cải tạo nên HĐXX tòa sơ thẩm đã tuyên Sang mức án tử hình về tội giết người, 8 năm tù về tội cướp tài sản.
Bị cáo làm đơn kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt, chứ không hề có một câu chữ nào về kêu oan. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 21/7 vừa qua, bị cáo đã khiến HĐXX “té ngửa ngạc nhiên”, bởi không xin giảm nhẹ, mà chuyển qua kêu oan. Sang cho rằng mình không giết nạn nhân, mà do một người bạn tên Hậu ở phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương giết?
Quá bất ngờ, HĐXX liên tục chất vấn: “Bị cáo không giết người, vậy tại sao bị cáo lại khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội giết người của mình tại cơ quan điều tra lẫn tại tòa sơ thẩm, mà bị cáo không khai đồng phạm? Bị cáo khẳng định lại một lần nữa, có ai bức cung, nhục hình, ép bị cáo phải nhận tội một mình hay không? Bị cáo nói người bạn đó là tên Hậu, vậy đặc điểm người đó thế nào? Hay bị cáo muốn kéo dài sự sống của mình mà khai đại một người để cơ quan tiến hành tố tụng phải chạy theo những lời khai vu vơ đó của bị cáo…?”.
Trả lời những câu hỏi này, bị cáo Sang cho rằng: “Những lời khai đó là hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc, bức cung, nhục hình bị cáo. Còn về người bạn tên Hậu thì người này là bạn nghiện chích xì ke với tôi. Hôm đó do thiếu tiền chích, nên bị cáo gọi điện thoại cho người này chạy từ Bình Dương xuống để đi mua thuốc cùng chích. Khi bị cáo đang cãi cọ về chuyện tiền bạc với nạn nhân thì Hậu xuống bếp lấy búa lên đánh chết người, chứ bị cáo không giết người…?”.
Mặc dù thấy những lời khai của bị cáo là thiếu căn cứ, nhưng vì để đảm bảo tính khách quan của vụ án, hơn nữa, theo luật đây cũng là tình tiết mới nên HĐXX đã hội ý, sau đó đã quyết định hoãn phiên tòa để xem xét, điều tra cụ thể. Tuy nhiên, HĐXX, cũng như đại diện VKSTC đều lưu ý, bắt bị cáo Sang phải ngồi lại viết tường trình ngay về vụ việc diễn ra ngày hôm đó như thế nào? Đặc điểm người thanh niên tên Hậu đó cao hay thấp, gầy hay béo, quê ở miền Nam, Trung hay Bắc… để gửi ngay cơ quan điều tra xác minh, không để chậm trễ.
Chưa rõ liệu có một người tên Hậu ra tay giết nạn nhân như lời khai bất ngờ của bị cáo Sang hay không? Nhưng theo nhận xét của một số người thì có thể đây chỉ là một “chiêu bài” của đối tượng vốn đã có quá nhiều “kinh nghiệm” như Sang nhằm kéo dài thời gian sống.
Mới đây, VKSND TP. HCM cũng đã có văn bản gửi VKSND tỉnh Bình Thuận, VKSNDTC nhằm xem xét lại Quyết định Tạm đình chỉ thi hành án của TAND tỉnh Bình Thuận đối với Sang vào năm 2007. VKSND tỉnh Bình Thuận đã có công văn phúc đáp cho rằng quyết định này là đúng luật, vì họ căn cứ vào kết quả giám định pháp y của cơ quan chức năng, thể hiện Sang “bị AIDS giai đoạn cuối”.
Dư luận có quyền nghi ngờ có dấu hiệu bất thường từ kết quả giám định pháp y nêu trên, bởi lẽ thông thường, nếu ở giai đoạn cuối, thì bệnh nhân AIDS khó có thể kéo dài sự sống đến hơn 7 năm trời. Điều đặc biệt là không thấy sức khỏe “bệnh nhân AIDS” này giảm đi, mà vẫn bình thường, thậm chí là có phần khỏe lên, liên tục gây án.
Liệu bị cáo Sang có bị căn bệnh AIDS hay không? Nếu bị thì đã ở giai đoạn cuối hay chưa? Hay hồ sơ bệnh lý của bị cáo này “có vấn đề”. Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để xác minh. Nếu quả thực có tiêu cực trong việc xác nhận bừa, cộng với việc xác minh điều tra được người thanh niên tên Hậu gây án như Sang đã khai, thì đây quả là một “đại kỳ án” hiếm có trong lịch sử ngành tố tụng.