Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Pháp lệnh số 16/2011/ UBTV QH 12 và Kế hoạch số 110/KH - BCA-C61 về tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố điều tra hơn 1.300 vụ, bắt giữ hơn 1.600 đối tượng, thu giữ gần 600 khẩu súng các loại và trên 5.200 vũ khí thô sơ… bóc gỡ nhiều băng nhóm tội phạm.
Những kết quả đạt được đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm. Song quá trình đấu tranh hiện này còn gặp rất nhiều khó khăn, do công tác xử lý chưa có sự thống nhất cao giữa cơ quan điều tra và cơ quan kiểm sát các cấp trong việc đánh giá chứng cứ, định tội.
Thực tế các vụ án khám phá trong thời gian qua cho thấy, công tác điều tra các vụ án đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là từ hiện trường vụ án… Trong các trường hợp này, hiện trường thường bị xáo trộn. Vì vậy, công tác khám nghiệm, thu thập dấu vết, vật chứng để trưng cầu giám định rất khó thực hiện. Về phía người bị hại vì nhiều lý do đã không hợp tác hoặc trình báo không trung thực về diễn biến vụ án. Về phía đối tượng gây án thường am hiểu địa bàn, có thời gian nghiên cứu quy luật, chuẩn bị kế hoạch một cách chu đáo, thường gây án vào ban đêm. Vụ án xảy ra vào lúc 23h50 ngày 21/7, tại tiệm cầm đồ Anh Tuân, địa chỉ số 202, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc là một trong những trường hợp đó. Trong vụ xả súng này đã có 3 người thương vong.
Theo suy đoán của những người sống gần khu vực xảy ra vụ xả súng, việc này đã được lên kế hoạch từ trước. Mới đây, vào hồi 17h20 ngày 26/7, anh Hoàng Văn Trưởng, 30 tuổi, trú tại 211 Ngô Quyền, phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương điều khiển xe ôtô nhãn hiệu Lexus màu đen (chưa rõ BKS) lưu thông trên đường Bạch Đằng, TP Hải Dương, hướng ngã ba Tam Giang đi Cầu Cất. Khi đến trước cửa Chi cục Thuế TP Hải Dương (số 167 Bạch Đằng) thì bị 2 thanh niên đi trên 1 xe môtô nhãn hiệu Exciter (không có BKS) từ phía sau vượt lên chặn đầu, một đối tượng dùng súng ngắn hướng về phía xe ôtô của anh Trưởng bắn 2 phát… Vụ án hiện đang được cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương đang điều tra làm rõ.
Số súng được Công an TP Việt Trì (Phú Thọ) thu hồi sau khi thực hiện thành công chuyên án |
Một số trường hợp khi cơ quan CSĐT vào cuộc đã bất hợp tác như che giấu sự việc, không khai báo với cơ quan điều tra, liên tục chuyển nơi điều trị...
Chia sẻ với chúng tôi, Đại tá Lê Xuân Nghiệp, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án này, bị hại thường không hợp tác với cơ quan Công an, gây rất nhiều khó khăn trong việc xác minh, làm rõ sự việc cũng như tiến hành đề nghị truy tố, xét xử của lực lượng Công an. Một số vụ án các đối tượng sử dụng vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn có nguyên nhân bắt nguồn từ cả hai phía, vì vậy sau khi gây án, chúng thường tự sắp xếp, bất hợp tác với cơ quan Công an. Như vậy mâu thuẫn giữa các nhóm đối tượng vẫn âm ỉ và tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn.
Điển hình như ngày 12/10/2013, tại địa bàn xã Sông Lô, TP Việt Trì, do mâu thuẫn trong việc tranh chấp khai thác cát sỏi, ổ nhóm gồm 3 đối tượng do Nguyễn Trường Sơn ở quận Kiến An, TP Hải Phòng và ổ nhóm gồm 4 đối tượng do Nguyễn Hoàng Anh ở quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cầm đầu đã dùng súng bắn đạn hoa cải bắn nhau. Vụ ẩu đả đã khiến nhiều đối tượng bị thương nặng do trúng đạn; tuy nhiên tất cả sau đó đã nhanh chóng giải tán, đưa đồng bọn đi cấp cứu tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Giữa đối tượng chủ mưu và những kẻ lưu manh chuyên nghiệp được thuê để thực hiện hành vi phạm tội thường có sự câu kết chặt chẽ với nhau. Ngày 2/1, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam, bắt khẩn cấp hai đối tượng cầm đầu băng nhóm đòi nợ thuê là Võ Văn Trường (58 tuôie, trú phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) và Đoàn Anh Kiệt (36 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng; tạm trú đường Nguyễn Dục, TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Cơ quan điều tra thu giữ tang vật gồm 2 khẩu súng, 43 viên đạn, 1 roi điện… Băng nhóm này có gần chục tên do Trường cầm đầu. Khi có hợp đồng đòi nợ thuê, Trường chỉ đạo đàn em sử dụng “hàng nóng” đe dọa, ép buộc con nợ trả tiền, vàng hoặc cưỡng đoạt tài sản của họ. Mỗi “hợp đồng” Trường và đồng bọn hưởng 50% số tài sản cưỡng đoạt được.
Diễn biến của loại tội phạm này còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT. Một trong số đó phải kể đến phương thức hoạt động lưu động của các đối tượng. Hiện nay, lực lượng Công an các địa phương đã có sự trao đổi thông tin, phối hợp truy bắt tội phạm nhưng chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc không có hệ thống dữ liệu thống nhất trên toàn quốc về vũ khí khiến việc truy xét nguồn gốc là rất khó khăn. Qua các vụ án được khám phá cho thấy, hầu hết nguồn gốc các loại vũ khí bọn tội phạm sử dụng gây án do tự chế hoặc buôn bán trái phép trên thị trường. Trong khi đó, một số đối tượng hoạt động mua bán qua mạng Internet rất phức tạp. Để xử lý các trường hợp này đòi hỏi phải có nghiệp vụ trinh sát vì đối tượng thường xuyên sử dụng địa chỉ giả và số sim card điện thoại khuyến mại không đăng ký…
Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết: Một trong những khó khăn trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này là công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn xử lý chưa kịp thời. Đơn cử như chưa ban hành được Thông tư hướng dẫn xử lý về các hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự súng (Điều 230 Bộ luật Hình sự). Công tác quản lý vũ khí, vật liệu nỗ và công cụ hỗ trợ vẫn còn chưa triệt để. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, trong thời gian tới lãnh đạo Công an các địa phương cần xác định tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này.
Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Pháp lệnh quản lý, sử dụng, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đang còn trôi nổi ngoài xã hội, không để lọt vào tay tội phạm. Thường xuyên tiến hành công tác tổng kết, rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh đối với laọi tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để gây án. Mở các lớp tập huấn kiến thức về vũ khí, vật liệu nổ… cách chế tạo các loại súng săn, súng bắn đạn hoa cải… để nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho điều tra viên, trinh sát áp dụng đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, cũng cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động Internet; chủ trì phối hợp với lực lượng Công an kịp thời phát hiện, phong tỏa, ngăn chặn các trang web có nội dung hướng dẫn chế tạo bom, mìn, vật liệu nổ… đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
.