Quy định cấm bán rượu bia sau 22h trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế đưa ra mới đây đang được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế xung quanh dự thảo này này.
Bộ Y tế dựa vào cơ sở nào để xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia là vấn đề quan trọng trong dự phòng phòng chống các bệnh không lây nhiễm ở nước ta.
Người lạm dụng rượu bia rất dễ mắc các bệnh như: Xơ gan, ung thư, các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, tâm thần và sức khỏe tình dục.
TS Nguyễn Quang Huy. |
Theo tổ chức WHO, việc sử dụng những đồ uống có cồn gây ra 2,2 triệu ca tử vong trên thế giới, tương đương 6.000 người chết mỗi ngày.
Ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia khá phổ biến, đặc biệt là nam giới, ước tính 70% đàn ông Việt uống rượu bia, trong đó, cứ 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức có hại, tương đương 6 cốc bia mỗi ngày.
Bên cạnh đó, người lạm dụng rượu bia còn gây ra các rối loạn về hành vi, khó kiểm soát như: các hành vi gây thương tích, bạo lực gia đình… thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, theo các điều tra trong nước cũng cho thấy, 60% các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến say rượu, bia.
Như vậy, để hạn chế những vấn đề trên, Quốc hội đã giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng Luật này và đưa vào chương trình xây dựng Luật Pháp lệnh nhiệm kỳ khóa 13. Đến nay, Bộ Y tế đang dự thảo lần 1 Luật này và sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh Luật.
Bên cạnh quy định cấm bán rượu bia sau 22h, dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia còn quy định các trường hợp không được uống rượu bia gồm: Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người tham gia giao thông; cấm uống trong thời gian làm việc, nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.
Dự thảo cũng quy định, người bán chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá 1 đơn vị rượu/giờ, 3 đơn vị rượu/ngày đối với nam và ½ đơn vị rượu/giờ, 2 đơn vị rượu/ngày đối với nữ.
1 đơn vị rượu tương đương khoảng 2/3 chai bia 550ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330ml, một ly nhỏ 100ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40-43%.
|
Trong dự thảo Luật này có quy định cấm bán rượu, bia từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau. Xin ông cho biết lý do Bộ đưa ra đề xuất này?
Ông Nguyễn Huy Quang: Trước khi xây dựng dự thảo Luật, chúng tôi luôn phải thu thập các văn bản Luật của nước ngoài để tham khảo, thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ xây dựng.
Theo đó, việc bán rượu bia từ 22h đêm đến 6h sáng hôm sau có thể bị cấm tại một số địa điểm như quán bar, karaoke, vũ trường...
Trên thực tế, có một số nước đã cấm bán rượu bia trong thời gian nhất định trong ngày và có hiệu quả như: Thổ Nhĩ Kỳ cấm bán rượu tại siêu thị và các góc của cửa hàng từ 22h đến 6h hôm sau, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Tại Nauy, rượu, bia cũng được bán vào những khoảng thời gian nhất định. Thời gian này có thể thay đổi từ địa điểm này đến địa điểm khác nhưng không muộn hơn 20h vào các ngày thường và 18h ngày thứ bảy và các ngày lễ. Các cửa hàng, siêu thị ở nước này cũng không được bán rượu vào chủ nhật, ngày lễ và ngày bầu cử hoặc ngày trưng cầu dân ý.
Ở Thái Lan và Singgapore cũng chỉ cho phép bán rượu từ 17h đến 22h.Tại Việt Nam cũng đã có quy định không được bán rượu trong các quán karaoke, vũ trường sau 24h nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Như vậy, sau khi tham khảo từ nhiều nguồn, chúng tôi nhận thấy đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm bán rượu bia sau 22h, vì thời điểm này uống rượu, bia rất có hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, các hoạt động uống rượu bia sau 22h còn gây ồn ào, mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tới người xung quanh và dễ dẫn tới những tai nạn giao thông khó lường do đường vắng người lạm dụng rượu bia có thể phóng nhanh, vượt ẩu… không làm chủ được tốc độ…
Liệu khi áp dụng, quy định này có khả thi không, thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Quang: Bất kỳ một quy định nào đều phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành và tính tự giác của mỗi người, cũng như trách nhiệm công dân, trách nhiệm pháp lý của họ. Đặc biệt, mọi người nên nhìn các quy phạm pháp luật dưới góc độ nhân văn.
Trong trường hợp này, để quy định không chỉ “nằm trên giấy” mà thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta phải thanh tra, kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện phải xử nghiêm, thậm chí là rút giấy phép kinh doanh của cơ sở vi phạm.
Xin cảm ơn ông!
.