(Congannghean.vn)-Ngày 20/6/1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 250/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó đã phân chia lực lượng chấp pháp (điều tra, xét hỏi) thành hai bộ phận An ninh điều tra và Cảnh sát điều tra nhằm thực hiện chuyên sâu trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Theo đó, về chức năng nhiệm vụ, lực lượng An ninh điều tra xét hỏi thuộc Tổng cục ANND tiến hành điều tra xét hỏi các vụ án xâm phạm ANQG theo đúng pháp luật Nhà nước, nhằm góp phần bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Tại Nghệ An, Phòng Chấp pháp cũng được chia thành Phòng An ninh điều tra xét hỏi và Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi. Tiếp nối truyền thống đấu tranh phòng chống tội phạm, kể từ khi được thành lập (năm 1981), Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã không ngừng phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. Tham gia tấn công trấn áp bọn phản cách mạng, lập nhiều chiến công to lớn trong đấu tranh với các loại tội phạm xâm phạm ANQG; góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là mũi chủ công của lực lượng An ninh Công an Nghệ An trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tính từ khi thành lập Phòng ANĐT xét hỏi đến nay, lực lượng ANĐT Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành khởi tố điều tra rất nhiều vụ án thuộc thẩm quyền được phân công, đó là các tội xâm phạm ANQG, tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, tội liên quan tiền giả, vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, tội phạm lừa đảo có yếu tố nước ngoài... Các vụ án được điều tra đảm bảo pháp luật và phục vụ tốt yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, 100% vụ án điều tra được chuyển truy tố, xét xử, không xảy ra oan sai, không có đơn thư khiếu tố, khiếu nại.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đấu tranh với Nguyễn Văn Lý tại Trại giam Ba Sao - Hà Nam trong vụ án "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" |
Nổi bật trong những năm qua, Phòng An ninh điều tra đã đấu tranh làm rõ hàng chục vụ án với gần 100 bị can có hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, tổ chức ở lại nước ngoài trái phép. Trong đó đã bóc gỡ, xử lý triệt để nhiều đường dây hình thành tổ chức chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ở nước ngoài, với chiêu thức, thủ đoạn mới như sửa chữa, làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu và dùng hộ chiếu đó để trốn đi nước ngoài; thông qua con đường du lịch, thăm thân, hội chợ thương mại để xuất cảnh sau đó tổ chức trốn sang nước thứ 3 hoặc tổ chức ở lại nước sở tại trái phép. Điển hình như vụ Lê Thị Oanh ở TP Vinh, Nghệ An (2006); Đỗ Văn Thuận ở Nghi Vạn, Nghi Lộc (2013); Thái Hữu Thi ở Sơn Thành, Yên Thành (2013); Cao Văn Thân ở Nghi Hòa, Cửa Lò (2014); Vũ Trọng Chúc ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội (2014)...
Liên quan đến các vụ án có yếu tố nước ngoài, lực lượng ANĐT đã đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo thông qua xuất khẩu lao động, khởi tố 5 vụ, hàng chục bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật, thu giữ gần 4 tỉ đồng trả lại cho các bị hại. Điển hình như vụ Lê Thị Tuyết Minh trú tại xã Thanh Trù, huyện Thanh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc câu kết với đối tượng nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng của 18 lao động Nghệ An; vụ Nguyễn Thị Thủy trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng đồng bọn lừa đảo 47.300 USD và 261.000.000 đồng của công dân Nghệ An. Hậu quả các vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm người dân, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đối với tội phạm “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ”, số lượng các vụ án mà cơ quan An ninh điều tra thụ lý điều tra hàng năm chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các án thuộc thẩm quyền điều tra. Trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ Mai Văn Trận cùng đồng bọn vận chuyển, mua bán trái phép 280 kg thuốc nổ xảy ra ở Quỳnh Lưu, Nghệ An năm 2000; vụ Hồ Xuân Phương cùng đồng bọn vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép 2.556 kg thuốc nổ xảy ra ở Quỳnh Xuân, Quỳnh Lưu năm 2001; vụ Đỗ Xuân Quang cùng đồng bọn (trong Chuyên án V504) vận chuyển, mua bán gần 150 kg thuốc nổ, xảy ra ở Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu năm 2004; vụ Lưu Văn An cùng đồng bọn mua bán trái phép gần 2.500 kg thuốc nổ, gần 4.000 kíp nổ và hàng nghìn mét dây cháy chậm, xảy ra năm 2011 tại Quỳ Hợp; vụ Lê Văn Khiêm ở Quỳnh Lập, Quỳnh Lưu (2012); Nguyễn Thị Quý ở Buôn Mê Thuột, Đắc Lắc (2014)...
Đại tá Nguyễn Cảnh Hợi, Trưởng phòng An ninh điều tra cho biết, để có được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh và ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Công an TW, lãnh đạo Bộ Công an. Trong đó phải nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.