Pháp luật

Phòng chống ma túy ở vùng nông thôn, miền núi

Cần sự chung tay của nhiều phía

14:06, 23/06/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Qua đánh giá hiện nay, tệ nạn ma túy không chỉ tập trung ở đô thị, thành phố mà cả vùng nông thôn, miền núi; đối tượng được mở rộng đến cả thanh, thiếu niên. Ma túy và các tệ nạn liên quan đến ma túy đã trở thành mối lo chung của toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế, đe dọa đến giống nòi và các mặt của xã hội.

Với phương châm "kiên trì, bền bỉ", trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều giải pháp, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại ma túy cũng như các cách làm sáng tạo nhằm đẩy lùi tệ nạn này. Tuy nhiên, với địa bàn nông thôn, miền núi đang là vấn đề khó, cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, ngành và chính người dân.

Theo thống kê từ ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có 6.768 người nghiện có hồ sơ quản lý, 3.964 đối tượng đang quản lý tại cộng đồng và 2.267 đối tượng đang quản lý ở trại tạm giam và các trung tâm cai nghiện cùng hàng nghìn đối tượng nghi nghiện ở 480/480 xã, thị trấn trên 21 huyện, thành, thị.

Con số này cho thấy, người nghiện đã "có mặt" ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, kể cả nông thôn, miền núi. Trước thực trạng đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, chỉ đạo các ngành, đoàn thể vào cuộc với nhiều biện pháp đồng bộ, cách làm phù hợp, quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Một số đối tượng mua bán trái phép chất ma túy bị Công an Kỳ Sơn bắt giữ

Tại xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn trong một thời gian dài được xem là "điểm nóng" phức tạp về ma túy. Lúc cao điểm vào những năm 1998 - 2000, trên địa bàn xã có đến vài trăm đối tượng mắc nghiện và nhiều điểm bán lẻ ma túy. Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong xã đã quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp tích cực bài trừ tệ nạn ma túy.

Đặc biệt, xã đã xây dựng được nền tảng từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách vững chắc. Trong đó chú trọng công tác phát động phong trào người dân tố giác tội phạm cũng như người nghiện cho Công an xã, Công an huyện và Bộ đội Biên phòng, gắn với công tác tuần tra vũ trang, xây dựng các mô hình điển hình trong phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tự quản về an ninh trật tự...

Qua thống kê cho thấy, người nghiện có ở mọi nơi và ở mọi địa phương, nhưng ở các địa phương lại có những cách làm khác nhau mang lại hiệu quả thiết thực, rõ nét. Cách làm đồng bộ với kết quả tích cực trên ở xã Mỹ Lý đã và đang được nhiều địa phương khác trong tỉnh nghiên cứu học tập, vận dụng.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống ma túy; tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức trong nhân dân về sự nguy hại của ma túy tới gia đình và xã hội. Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ tấn công, trấn áp hoạt động của tội phạm ma túy, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển ma túy vào địa bàn.

Mặt khác, coi trọng công tác phát động phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, tham gia đẩy lùi tệ nạn ma túy thông qua việc xây dựng nhân rộng các mô hình tự quản có hiệu quả thiết thực như: Phong trào tố giác tội phạm về ma túy, tự quản về an ninh trật tự; các mô hình xóm, bản không tội phạm và tệ nạn xã hội; câu lạc bộ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; câu lạc bộ gia đình không có người nghiện; các câu lạc bộ phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên không có người vi phạm pháp luật; mô hình “Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng”; “Cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng”; mô hình “Giáo họ không có ma túy”, “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”...

Đặc biệt, trong những năm qua, các ngành chức năng và nhiều xã, thị trấn đã duy trì tốt công tác phối hợp phát động toàn dân tham gia vận động, giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và giải quyết việc làm sau cai nghiện với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng địa phương, từng hoàn cảnh, qua đó góp phần cai nghiện thành công, đẩy lùi loại tội phạm và tệ nạn ma túy ở các địa bàn nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nguy cơ, tác hại, hậu quả của tệ nạn ma túy để mỗi người tự giác tích cực tham gia phòng chống; đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội nhằm từng bước kiềm chế, ngăn chặn, qua đó tạo nên phong trào sâu rộng trong cộng đồng, từng bước giảm thiểu tệ nạn ma túy, tiến tới xóa bỏ ma túy ra khỏi cộng đồng, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho các bản làng, vùng quê.

Xuân Thống

Các tin khác